Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, thực trạng nợ BHXH, BHYT của các doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn rất đáng báo động, gây khó khăn trong việc giải quyết chế độ cho người lao động (NLĐ). 613 tỉ đồng là tổng số tiền mà các DN giải thể, phá sản; DN nước ngoài bỏ trốn nợ cơ quan BHXH (chiếm 6,9% tổng số nợ) trong đó có 179 DN có chủ là người nước ngoài. Ước tính tổng số lao động bị thiệt thòi quyền lợi hơn 26.000 người.
Hàng chục ngàn lao động bị thiệt thòi
Tại TP HCM và nhiều địa phương khác trên cả nước, giải quyết quyền lợi BHXH cho mất việc tại các DN có chủ bỏ trốn, phá sản và ngừng hoạt động gần như rơi vào bế tắc. “Không liên hệ được với chủ DN, tài sản còn lại không có giá trị hoặc bị cầm cố cho ngân hàng…khiến nỗ lực can thiệp, giải quyết quyền lợi BHXH cho NLĐ đi vào ngõ cụt” - ông Nguyễn Thanh Sang, Phó chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi, TP HCM, bức xức.
Dẫn chứng ngay vụ việc tại Công ty TNHH Sae Hwa Vina (100% vốn Hàn Quốc), ông Sang cho biết, đầu tháng 9-2012, khi thông báo tạm ngưng hoạt động, công ty còn nợ BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp CN hơn 6,4 tỉ đồng. Dù các cơ quan chức năng tìm cách liên hệ, ông Kong Wan Sik, Tổng giám đốc công ty luôn tìm cách tránh mặt, gây khó khăn trong việc giải quyết quyền lợi BHXH cho CN. Tài sản (máy móc, nhà xưởng) công ty phần lớn đã bị ngân hàng siết nợ nên khả năng đòi nợ cho CN là không tưởng. “Đòi nợ cho CN mà cứ như nắm kẻ trọc đầu vì tài sản DN đã bị gán nợ, chủ DN thì bặt vô âm tín”- ông Sang giãi bày.
Không riêng gì Công ty TNHH Sae Hwa Vina, những vụ việc tương tự đã xảy ra tại các công ty như Magnicon, Haek Wang Vina, Long Đại Phát, Tùng Bách, Đại Thắng, Kyung Sung Vina…khiến hàng ngàn CN mất trắng quyền lợi. Gần đây nhất là việc giám đốc Công ty Bách Hợp (quận 6) hay TNHH SMY (huyện Hóc Môn) “lặng lẽ chuồn êm” do làm ăn thua lỗ khiến 300 CN trắng tay.
Buộc DN ký quỹ
Tại các hội thảo lấy ý kiến bổ sung tội danh về BHXH, BHYT vào Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), đã có những ý kiến trái chiều về cách xử lý tình trạng nợ BHXH tại các DN có chủ bỏ trốn. Theo quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong trường hợp chủ sử dụng lao động đã thu tiền hoặc khấu trừ tiền lương của NLĐ thì phải tính cho NLĐ trong khi đó BHXH lại đưa ra giải pháp NLĐ đóng BHXH đến đâu chốt sổ đến đấy.
Công nhân tại một doanh nghiệp ở quận 12, TP HCM lo lắng khi hay tin chủ doanh nghiệp bỏ trốn
Pháp luật về đầu tư quy định, nhà đầu tư (NĐT) có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó có việc phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NLĐ. Tuy vậy, trong thực tế, sau khi được cấp phép, NĐT có thực hiện và thực hiện đến mức độ nào thì các cơ quan quản lý nhà nước rất khó kiểm soát, vì thẩm quyền giữa các cơ quan bị chồng chéo, cơ chế phối hợp chưa chặt chẽ và hiệu quả. Xuyên suốt các vụ tranh chấp, việc chứng minh việc chủ lao động đã thu tiền của người làm thuê nhưng không đóng cho cơ quan BHXH là rất khó khăn, mất nhiều thời gian vì chủ DN đã bỏ trốn hoặc DN giải thể, phá sản. Do vậy, cơ quan BHXH khó có thể có nguồn kinh phí để bù đắp khoản nợ 613 tỷ đồng này. Do vậy, theo ông Đỗ Văn Sinh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, nếu thực hiện theo phương án đóng đến đâu chốt sổ đến đấy thì khoản tiền 613 tỷ đồng được xếp vào diện khoanh nợ vì theo Luật BHXH hiện hành chưa có quy định cho xoá nợ tiền bảo hiểm mà chỉ cho phép khoanh nợ và vẫn phải trả lãi.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về vấn đề này, ông Đặng Anh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng để buộc DN tuân thủ luật chơi, đến lúc cần có những quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của người đại diện pháp luật cũng như quy định về việc triệu tập, dẫn độ chủ DN là người nước ngoài bỏ trốn, để giải quyết quyền lợi cho NLĐ. “Ngoài hoàn thiện biện pháp chế tài, cần có quy định bắt buộc các DN thực hiện việc ký quỹ an toàn, để trong trường hợp chủ DN bỏ trốn thì sẽ lấy số tiền đó giải quyết quyền lợi cho NLĐ và các đối tác liên quan”.
Về phía BHXH Việt Nam, đã có ý kiến đề xuất phải đưa nhóm hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT như: Người sử dụng lao động không tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ; không đóng đủ số lao động và số tiền phải tham gia BHXH, BHYT; Người sử dụng lao động đã khấu trừ tiền đóng BHXH, BHYT vào lương của NLĐ nhưng chiếm dụng và không nộp cho cơ quan BHXH… quy định trong Bộ Luật Hình sự (sửa đổi).
Đơn giản thủ tục phá sản
Khi góp ý dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) tại diễn đàn Quốc hội, ngoài đề nghị đơn giản thủ tục phá sản theo hướng tạo điều kiện để những DN đã lâm vào tình trạng phá sản được phá sản dễ dàng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng, cũng kiến nghị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, chẳng hạn như cấm chủ DN rời khỏi nơi cư trú hoặc rời Việt Nam nhằm bảo đảm các điều kiện làm thủ tục phá sản DN. “Chúng ta cần phải giải quyết như thế nào để thủ tục phá sản càng nhanh thì sẽ bảo đảm được quyền lợi của NLĐ. Đồng thời ưu tiên chi trả tiền nợ lương, nợ BHXH cho NLĐ trong thủ tục hay thứ tự phân chia tài sản khi phá sản” - ông Đặng Ngọc Tùng nói.
Bình luận (0)