Đêm đầu tiên chúng tôi đến khu nghỉ dưỡng, trời mưa khá to. Ông xã tôi đột ngột thèm cà phê mà trong phòng nghỉ chỉ có loại cà phê không phải “gu” của anh. May mắn là tôi vốn lo xa nên lúc nào cũng thủ sẵn loại cà phê anh ưa thích. Vấn đề bây giờ là nước nóng để pha cà phê.
Tôi tìm trong phòng, không thấy ấm đun nước, nhìn đồng hồ thấy đã 23 giờ nên cũng ngại. Ông xã tôi nói: “Em cứ gọi bộ phận phục vụ, chắc chắn có người trực”. Tôi ngần ngừ một chút rồi cũng gọi. Không đầy 3 phút sau, có tiếng gõ cửa phòng. Một nam nhân viên phục vụ mang cho chúng tôi bình thủy nước nóng. Khi tôi xin lỗi đã làm phiền thì anh cười tươi bảo không có gì và còn dặn chúng tôi cần gì cứ gọi, nhân viên sẽ phục vụ 24/24.
Hôm sau ở nhà hàng của resort, tôi tình cờ gặp lại anh nhân viên ấy. Anh ta đến chỗ chúng tôi ngồi, ân cần hỏi xem thức ăn có vừa miệng không, chúng tôi có cần gì không? Ông xã tôi cắc cớ đòi uống trà nóng, mà phải là trà “quạu”. Ngay lập tức, anh nhân viên nọ đi vào bếp rồi trở ra với khay trà trên tay. Tôi thầm khen chị bạn có đội ngũ nhân viên thật tốt. Với cung cách phục vụ như vậy, hèn gì resort rất đông khách dù không phải là cuối tuần.
Ngày cuối cùng chúng tôi ở khu nghỉ dưỡng, đang uống cà phê thì chị bạn ghé ngang. Chị hỏi chúng tôi tình hình ăn ở mấy ngày qua, có gì thì góp ý để chị phục vụ tốt hơn. Khi chúng tôi đang trò chuyện thì anh nhân viên nọ lại bưng ra khay trà nóng. Thấy chúng tôi ngồi với bà chủ, anh có vẻ ngạc nhiên. Chị bạn tôi giới thiệu: “Đây là P., quản lý resort của mình. Cậu ấy là người Philippines. Nói tiếng Việt giỏi lắm đấy”.
Tôi ngớ người ra. Đúng là không thể tin nổi. Theo suy nghĩ thông thường của tôi, quản lý là người “chỉ tay 5 ngón”, ra lệnh cho thuộc cấp, lúc nào cũng quát tháo khiến cấp dưới sợ sệt. Còn P. thì khác hẳn nên tôi nhầm tưởng anh là nhân viên phục vụ. Nghe tôi nói, chị bạn cười: “P. dễ thương lắm, không nề hà chuyện gì nhưng quản lý rất giỏi. Giao resort cho cậu ấy, mình hoàn toàn yên tâm”.
Rồi chị bạn kể về người quản lý của mình. Khi nhân viên bận, thấy sàn nhà bẩn là P. tự mình đi lau. Khách cần phục vụ, nhân viên làm không kịp thì P. xắn tay áo làm. Thức ăn thừa của khách anh không đổ đi mà cho nhân viên và chính anh cũng ăn những phần thức ăn ấy. Công ty cấp cho một phòng ở đầy đủ tiện nghi nhưng anh đề nghị được ở chung với một nhân viên khác, đổi lại công ty trả thêm một ít phụ cấp vì anh phải nuôi mẹ già ở bên quê. P. còn có cô em gái giúp việc cho một gia đình ở quận 2, TP HCM...
Câu chuyện của anh chàng quản lý người Philippines khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Ở công ty chúng tôi, tư tưởng phân biệt sếp - lính rất nặng. Tôi chưa bao giờ thấy một người quản lý nào làm những việc như P. đã làm.
Chợt nhớ một anh bạn có công ty xuất khẩu lao động từng nói lao động Philippines đi xuất khẩu ở các nước cũng khá hơn người Việt Nam mình rất nhiều. Họ giỏi tiếng, có kỹ năng, giữ kỷ luật nghiêm, rất có ý thức giữ gìn hình ảnh của đất nước mình. Chính vì vậy, rất nhiều nước thích sử dụng lao động người Phi. Đến lượt Việt Nam mình, họ cũng có mặt trên nhiều lĩnh vực.
Chợt nhớ đến cuối năm nay, khi thực hiện AFTA, liệu lao động Việt Nam mình có cạnh tranh nổi với lao động các nước ngay trên sân nhà hay không?
Bình luận (0)