Về hay không? Với tôi, thật ra cũng không khó để trả lời câu hỏi đó mỗi dịp năm hết, Tết đến. 15 năm sau khi rời vòng tay cha mẹ để đến một vùng quê khác lập thân, lập nghiệp, tôi đã không còn thói quen tích cóp, nhịn ăn, nhịn mặc để dành "Tết về quê tiêu một lần cho thiên hạ lác mắt" bởi tôi quan niệm, bản thân mình phải sống tốt rồi mới có thể chăm lo cho người khác.
Đi du lịch thay vì về quê, tại sao không? (Ảnh minh họa từ internet)
Tôi không thể về quê với thân hình ốm đói vì như thế chắc chắn ba mẹ tôi sẽ không thể tự hào về con đường xa xứ mà tôi đã chọn. Bản thân tôi cũng sẽ cảm thấy mình chẳng có lý do gì phải bươn chải phương xa nếu nơi đó không mang lại cho mình cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tôi nhớ cái Tết đầu tiên về thăm nhà cách đây đã 15 năm. Sau 2 ngày 1 đêm vật vã trên xe đò, , tôi về tới nhà, người bèo nhèo "như cái giẻ rách". Lúc đó đã 29 Tết. Dù rất mệt nhưng tôi phải bắt tay vào việc đi thăm, tặng quà cho bà con nội ngoại. Tôi phải đi thăm vì biết tin tôi về, ai cũng mong. Được nhận quà là một phần nhưng quan trọng hơn là để hỏi thăm tình hình "làm ăn trong đó" để sau Tết có thể có vài người khăn gói theo vào.
Ba mươi Tết rước ông bà xong là nhậu tới tối và... xỉn ngủ luôn. Vậy là chẳng có cúng giao thừa; chẳng đón giao thừa, đi chùa, hái lộc gì cả... Sáng mùng một với cặp mắt lờ đờ, ngầu đỏ; chân bước liêu xiêu, tôi đi chúc Tết họ hàng. Gặp lại anh em, bạn bè, mỗi người một chén. Vậy là tiêu luôn!
Ngày mùng 2 chúng tôi về nhà bên ngoại ở cách đó mấy cây số. Mấy ông thì ngồi nhà trên uống trà tán chuyện, mấy bà thì lui cui dưới bếp nấu nướng. Cúng kiếng xong, lại nhậu bí tỉ tới chiều.
Ngày mùng 3 tôi theo các bạn cũ đi chúc Tết thầy. Nhà thầy chỉ có trà, không có rượu. Lũ bạn làm thủ tục với thầy xong xuôi, nói ba điều bốn chuyện rồi kéo nhau tới nhà một thằng khá nhất trong đám. Thịt kho dưa hành có sẵn; lạp xưởng, tôm khô đem lên, con gà cúng mùng ba vẫn còn nằm trên dĩa chờ khách. Rượu cuốc lủi mang ra. Hết ly đầy đến ly cạn.
Khi tôi về đến nhà thì đã sẩm tối. Mẹ tôi nói: "Uống chi mà uống dữ thế con? Phải chừa đường để mai trở vô trong đó chứ?". Tôi giật mình tỉnh rượu. Mấy ngày Tết trôi nhanh như chớp mắt. Lại vội vội vàng vàng thu xếp để đi.
Sáng sớm hôm sau, mẹ đánh thức tôi dậy, dúi vào tay tôi cái gói vuông vuông, mềm mềm. Đó là số tiền mẹ bán bầy heo hôm trước Tết. Tôi bỗng thấy nghèn nghẹn trong lòng. Mẹ biết tôi đã tiêu hết tiền dành dụm trong năm cho chuyến về quê nên đã chuẩn bị sẵn để tôi có cái mà ăn trong lúc giáp hạt. Xem ra lương kỹ sư công nghệ thông tin mới ra trường như tôi cũng chẳng đủ để lo cho bản thân một cách chu toàn. Dù vậy, tôi như cánh chim non vừa rời tổ, vẫn muốn tung mình lên bầu trời cao rộng, bất chấp ở đó có thể có bão giông.
Cảnh chen chúc mua vé tàu xe mỗi dịp Tết đến đã trở thành quen thuộc. (Ảnh: ĐẠI ĐOÀN KẾT)
Tết năm sau tôi lại về. Ở chơi mấy ngày tôi lại đi. Mẹ lại dúi vào tay tôi mớ tiền mẹ đã dành dụm cả năm. Hóa ra chính mẹ chứ không phải tôi là người chắt chiu lo Tết cho mấy thằng con xa. Nói “mấy thằng” là vì tôi có đến 3 anh em trai nhưng đứa nào cũng mang chí tang bồng, không đứa nào chịu ở quê với ba mẹ.
Đến năm thứ ba thì mẹ tôi bảo: “Thôi, sang năm tụi con chia nhau về chứ đừng về cả đám như vầy...”. Hỏi ra thì mẹ mới nói là mấy ngày Tết chúng tôi về đông vui như vậy rồi lại đi, mẹ càng thấy buồn hơn. Lần nào cũng vậy, cứ ra giêng là mẹ lại bệnh vì mệt, vì buồn, vì nhớ con nhớ cháu...
Và trên hết, mẹ muốn chúng tôi ổn định cuộc sống. “Năm nào cũng về, làm bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu, vậy thì ở nhà làm ruộng luôn với ba mẹ cho xong”- mẹ tôi nói vậy. Tôi suy nghĩ rất nhiều về những điều mẹ nói. Tiếng là về nghỉ Tết, ăn Tết mà tôi có nghỉ, có ăn, có chơi với gia đình được đâu? Đã vậy, mỗi lần về là một lần tốn kém, bắt mẹ phải lo thêm.
Từ năm thứ 5, tôi quyết định không về. Tôi đăng ký trực ở công ty mấy ngày Tết. Nói là trực nhưng cũng chỉ là quây quần với mấy anh em xa nhà. Đêm giao thừa cũng có bánh mứt, có chúc Tết, lì xì của giám đốc... Nói chung là không cô đơn, buồn tủi khi phải ăn Tết xa nhà như trước đó tôi nghĩ.
Quan trọng hơn là khoản tiền thưởng Tết, tiền dành dụm cả năm, tiền trực ngày Tết và nhiều khoản khác cộng lại, Tết đó tôi dư gần 20 triệu đồng. Tôi quyết định gửi về biếu ba mẹ một nửa, nửa còn lại tôi làm quyển sổ tiết kiệm. Khỏi phải nói, lần đầu tiên trong đời được tặng tiền cho ba mẹ, tôi hạnh phúc như thế nào...
Cũng từ đó, tôi siêng gọi điện thoại, tôi cũng sắm sửa thiết bị công nghệ hiện đại để ba mẹ ở nhà có thể thấy tôi và tôi cũng thấy họ. Tôi gửi tiền về để ba lót gạch lại khoảng sân rộng, khoan giếng nước để có nước sạch, sắm cho mẹ cái tivi đời mới để xem tấu hài, xem phim...
Bây giờ mỗi dịp Tết đến tôi không quá lo lắng như trước. Cả hai vợ chồng tôi đều thống nhất, lúc nào tiện thì về thăm ba mẹ chứ không nhất thiết phải chờ đến Tết. Vài năm về một lần cũng được chứ không phải năm nào cũng về mới là nhớ, là thương...
Đi du lịch ngày tết là chọn lựa của nhiều gia đình trẻ.
Có người nói cha mẹ già rồi, còn bao nhiêu thời gian với con cháu đâu mà không về? Sau này, họ mất rồi, có muốn gặp cũng không được, khi đó dẫu có ân hận thì cũng đã muộn màng. Tôi lại quan niệm khác. Mỗi người chúng ta gặp nhau trên đời này là duyên phận. Và tất cả các mối lương duyên đều kết thúc bằng những cuộc chia ly bởi chẳng ai sống hoài mà không chết. Điều quan trọng nhất là khi còn “duyên nợ” ở cõi hồng trần thì phải đối đãi với nhau thế nào để không trái đạo làm người và lương tâm mình thanh thản.
Và với tôi, Tết dẫu không về thì quê cũng còn đó chứ mất đi đâu? Đã chọn bay lên bầu trời cao mà cứ vướng víu lũy tre làng thì làm sao mà bay cao, bay xa được?
Bình luận (0)