Không hợp đồng lao động, không tham gia bất cứ loại bảo hiểm nào nên khi gặp rủi ro trong cuộc sống, lao động phi chính thức thiếu một chỗ dựa vững chắc. Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 tổ chức đầu tháng 6-2022, ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho biết hơn 97% lao động phi chính thức không có BHXH và chỉ 0,2% được đóng BHXH bắt buộc.
Dễ bị tổn thương
Vào TP HCM đầu năm 2022, anh Võ Công Minh (38 tuổi, quê Hà Tĩnh) làm thợ hồ trong một nhóm thợ xây dựng chuyên nhận các công trình nhà dân dụng. Công việc thuận lợi cho đến đầu tháng 9, anh bị tai nạn lúc trèo giàn giáo. Nằm ở nhà trọ tự trị thương hơn 1 tháng nay, anh được nhóm bạn giúp ít tiền, gạo và mì ăn liền.
Trước khi bị tai nạn, tiền công của Minh là 350.000 đồng/ngày, anh phải chi tiêu tằn tiện mới có thể gửi về quê lo cho vợ con. Từ ngày gặp nạn, thu nhập không có nên anh phải mượn tiền bạn bè trong nhóm để mua thuốc.
Cũng là lao động tự do, chị Lâm Thị Sương (43 tuổi, quê Trà Vinh) phụ bán quán phở ở quận Tân Phú, TP HCM với tiền công mỗi tháng 5,5 triệu đồng. Công việc của chị là nhặt rau, bưng bê, lau dọn... bắt đầu từ 4 giờ đến 12 giờ và từ 15 giờ đến 21 giờ hằng ngày. Chị được chủ quán phở bao ăn nhưng tiền thuê phòng trọ đã hết 2 triệu đồng/tháng. Trừ tiền chi tiêu sinh hoạt, chị tiết kiệm được mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng.
Người dân tỉnh Quảng Bình được tư vấn các chính sách BHXH tự nguyện. Ảnh: NGỌC DUNG
"Dạo này tôi đau lưng nhiều, vừa rồi đi khám lại thêm bệnh đái tháo đường nên tiền mua thuốc cũng tăng. Thấy vậy, chủ quán hỗ trợ thêm 1 triệu đồng nhưng với bệnh tình này, tôi khó mà làm được lâu dài" - chị Sương lo lắng.
Anh Minh, chị Sương chỉ là 2 trong hàng triệu lao động tự do chịu nhiều thiệt thòi khi chưa được tiếp cận lưới an sinh. Cả nước có 53,4% lao động phi chính thức là người làm công ăn lương (tương ứng 9,6 triệu người), 32,1% (5,8 triệu người) là lao động tự làm và 11,8% (2,2 triệu người) là lao động gia đình.
Ngoài ra, có đến 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào nhóm người có việc làm dễ bị tổn thương (32,1% là lao động tự làm và 11,8% là lao động gia đình không được trả lương). Trong khi đó, chỉ 14% lao động chính thức được xếp vào nhóm này.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Thời gian qua, BHXH Việt Nam và các ngành chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm mở rộng cơ hội tham gia BHXH, bao phủ các chính sách an sinh cho người lao động (NLĐ) tự do nhưng gặp không ít khó khăn.
Theo BHXH Việt Nam, khi tham gia BHXH tự nguyện đủ các điều kiện theo quy định, NLĐ tự do được hưởng các quyền lợi như: chế độ hưu trí, BHXH một lần, chế độ tử tuất, được cấp thẻ BHYT miễn phí... Bên cạnh đó, NLĐ tự do còn có cơ hội tiếp cận các chính sách khác như: BHYT, chăm sóc sức khỏe, vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, hiện số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp (khoảng 3,2% lực lượng lao động trong độ tuổi).
Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách chưa thật sự thu hút được NLĐ tự do. Do vậy, trong tương lai, nhóm đối tượng này sẽ lọt khỏi lưới an sinh xã hội, không có nguồn thu nhập ổn định khi về già. Ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, BHXH Việt Nam, nhận định lĩnh vực BHXH tự nguyện còn nhiều dư địa với khoảng 17 triệu người thuộc nhóm tiềm năng.
"Do đó, thời gian tới, cơ quan bảo hiểm sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp để khai thác, phát triển người tham gia như: tăng cường hoạt động truyền thông; rà soát, phân loại người tham gia BHXH tự nguyện theo địa bàn, trên cơ sở đó vận động họ tham gia" - ông Hào cho biết.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực an sinh, để các quy định không là rào cản trong việc thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện, nhất là NLĐ tự do, cơ quan chức năng cần điều chỉnh giảm điều kiện thời gian đóng BHXH tự nguyện tối thiểu để họ được hưởng lương hưu, từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới còn 10 năm. Bên cạnh đó, bổ sung quy định các chế độ BHXH ngắn hạn, linh hoạt như chế độ trợ cấp thai sản, ốm đau… tương tự đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; quy định điều chỉnh tăng linh hoạt hơn về hỗ trợ của nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện để tăng mức độ hấp dẫn, khuyến khích tăng số người tham gia.
"Chẳng hạn mới đây, UBND TP Hà Nội đã quy định mức hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH tự nguyện (giai đoạn 2022-2025) cho người thuộc hộ nghèo là 30%, người thuộc hộ cận nghèo 25% và các đối tượng khác là 10%" - một chuyên gia an sinh dẫn chứng.
Bình luận (0)