Thu tiền của 3-4 người mới đủ thuê một lao động
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Lương Trào đã đưa ra một loạt lý do để đề nghị bãi bỏ Pháp lệnh Nghĩa vụ lao động công ích. Theo ông, huy động nghĩa vụ lao động công ích đã tăng thêm khoản đóng góp của người dân trong khi người dân phải đóng góp quá nhiều khoản, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn. Các khoản này được tính theo hộ gia đình, theo số lao động, theo diện tích sử dụng ruộng đất trong năm và đóng chủ yếu bằng tiền hoặc thóc. Số người thuộc diện được miễn, tạm miễn, được trừ ngày công là rất lớn, nếu tính chung tổng số người thuộc diện huy động nghĩa vụ lao động công ích thì có tới trên 40% là đối tượng được miễn, tạm miễn, tạo ra sự mất công bằng giữa các đối tượng trong cùng một cộng đồng.
Việc thu bằng tiền thay cho lao động trực tiếp đã gây khó khăn và phức tạp trong quá trình thực hiện. Các địa phương quy định mức đóng tiền thay cho ngày công lao động công ích chỉ bằng 20%-30% so với giá trị ngày công thực tế. Có khi thu của 3-4 người mới đủ để thuê được một người. Công việc sử dụng lao động công ích nếu sử dụng bằng máy thì năng suất và hiệu quả sẽ tăng lên rất nhiều.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cơ quan thẩm tra đề nghị này, cho biết, đa số các ý kiến trong Ủy ban Các vấn đề xã hội nhất trí bãi bỏ pháp lệnh này. Tuy nhiên, Ủy ban Các vấn đề xã hội vẫn lưu ý Chính phủ: Nếu bỏ pháp lệnh, Nhà nước có bổ sung kinh phí cho các xã - phường không?
Doanh nghiệp XKLĐ không được mở quá 2 chi nhánh
Trình Dự án Luật Đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Hằng nói: Dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài là một loại dịch vụ nhạy cảm, tác động trực tiếp là NLĐ nên dự luật quy định cụ thể điều kiện và trách nhiệm quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (DN). Trong quá trình hoạt động, DN phải trực tiếp tổ chức, quản lý (chỉ riêng hoạt động dạy nghề, ngoại ngữ cho NLĐ mới được liên kết với các cơ sở dạy nghề, cơ sở đào tạo thực hiện). DN xuất khẩu lao động (XKLĐ) chỉ được giao nhiệm vụ cho không quá 2 chi nhánh có đủ điều kiện thực hiện một số nội dung trong hoạt động dịch vụ XKLĐ. Các chi nhánh này không được phép ký hợp đồng cung ứng lao động và hợp đồng đưa người đi XKLĐ; không được thu phí dịch vụ, phí môi giới và tiền ký quỹ của NLĐ.
Bà Hằng cũng nói thêm, DN được cấp giấy phép phải đáp ứng điều kiện về trình độ, kinh nghiệm, năng lực quản lý, phẩm chất người điều hành; phải đáp ứng vốn điều lệ và ký quỹ tại ngân hàng thương mại, có đề án hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và quản lý chặt chẽ hoạt động dịch vụ này, DN được cấp giấy phép phải được thủ trưởng cơ quan, tổ chức ra quyết định thành lập... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, điều kiện để cấp giấy phép là đề án hoạt động XKLĐ phải được người có thẩm quyền phê duyệt là không hợp lý. Đây không phải là điều kiện đòi hỏi đối với DN mà thực chất chỉ làm tăng tính thủ tục hành chính, không phù hợp quan điểm cải cách hành chính và xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản của DN hiện nay.
Bình luận (0)