Công việc đầu tiên là phải dự thảo “Đề cương khoa học” (tức đề cương trưng bày). Tổ nghiên cứu dự thảo đề cương do ông Đào Duy Kỳ phụ trách. Muốn dự thảo đề cương cần phải dựa vào lịch sử Đảng mà lúc đó (1957-1958) ta chưa có bộ sách lịch sử Đảng. Để giải quyết khó khăn này, ông Trường Chinh (Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách công tác lý luận và tư tưởng) thay mặt Trung ương Đảng chỉ đạo trực tiếp việc dự thảo Đề cương khoa học Bảo tàng Cách mạng VN.
Tháng 9-1958, Đề cương khoa học Bảo tàng Cách mạng VN được Trung ương Đảng thông qua và cho phép thi công trưng bày. Cuối tháng 12-1958, nhiều nhà lãnh đạo trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động VN đã tới xem các phòng trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng để tổng duyệt.
Gần 50 năm trước, khi chuẩn bị xây dựng Bảo tàng Cách mạng VN, tính “chính thống” trong nói và viết rất nghiêm ngặt. Việc nên bày cái gì, bày ảnh ai... được những người phụ trách và những người thực hiện chú ý đến từng chi tiết.
Trong phong trào yêu nước chống thực dân Pháp đầu thế kỷ 20 trước khi Đảng Cộng sản ra đời, ngay từ hệ thống trưng bày đầu tiên của Bảo tàng Cách mạng VN, nhà trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh là một trong sáu nhân vật được bày ảnh chân dung cỡ lớn nhất: 50x60 cm, bày độc lập trong khung kính ở diện trưng bày chính (cùng với Đề Thám, Lương Văn Can, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học). Xin nói rõ thêm, ở Bảo tàng Cách mạng VN, nhất là những năm đầu thành lập, cỡ ảnh chân dung 50x60 cm là cỡ chân dung lớn nhất chỉ dành cho những nhân vật lịch sử đặc biệt.
Trước năm 1975, phụ đề dưới tấm ảnh chân dung ông Nguyễn An Ninh trưng bày tại phòng số 2 Bảo tàng Cách mạng VN được ghi như sau: “Ông Nguyễn An Ninh, một nhà báo hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh bằng báo chí ở Nam Kỳ trong những năm 1922-1926”.
Từ gần 30 năm trước, khi hướng dẫn người xem bảo tàng, anh chị em thuyết minh chúng tôi giới thiệu về Nguyễn An Ninh thường có đoạn nói: “... Khi ông mất, những người Cộng sản bị giam cầm tại Côn Đảo đã đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng và vĩnh biệt ông như vĩnh biệt một người đồng chí của mình”.
Trước năm 1991, phụ đề dưới tấm ảnh chân dung ông Nguyễn An Ninh được ghi như sau: “Nguyễn An Ninh (1900-1943), người hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh đòi dân chủ và tự do báo chí ở VN những năm 20 của thế kỷ XX”.
Từ năm 1995 đến nay, phụ đề ghi: Nguyễn An Ninh (1900-1943), nhà trí thức yêu nước hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh đòi dân chủ và tự do báo chí ở VN những thập niên thứ hai và thứ ba của thế kỷ 20”.
Như vậy trong gần 50 năm qua, kể từ khi Bảo tàng Cách mạng VN mở cửa phục vụ đồng bào, hệ thống trưng bày của bảo tàng có nhiều thay đổi sau các lần chỉnh lý lớn, nhỏ, liên tục từ buổi ban đầu đến hiện tại, nhà trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh luôn có một vị trí trân trọng trong hệ thống trưng bày của bảo tàng này.
Bình luận (0)