Việc giãn lộ trình theo giải thích của Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi vì biên chế quá đông.
Lý do này hoàn toàn đúng. Ngoài ra, theo giải thích trên, ngân sách có hạn trong khi công chức ngày càng tăng nên tinh giản biên chế hết sức cần thiết. Tuy nhiên, nếu phải chờ tinh giản biên chế mới cải cách được tiền lương thì chẳng biết khi nào việc này mới được thực hiện.
Thực tế cho thấy, việc giảm biên chế thời gian qua hết sức ì ạch. Thậm chí, càng hô hào giảm, bộ máy hành chính lại càng phình to. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Nội vụ, sau 4 năm thực hiện giảm biên chế, đến nay bộ máy hành chính đã tăng thêm 25% do đầu ra thì khiêm tốn nhưng đầu vào vẫn tăng.
Ngay trong lúc Bộ Nội vụ đang xây dựng đề án tinh giản thì tổng biên chế năm 2013 của cả nước vẫn tăng so với năm 2012. Trong đó, theo công bố tờ trình về tổng biên chế trên địa bàn Hà Nội, tổng biên chế sự nghiệp toàn TP năm 2013 là 143.610 biên chế, tăng so với năm 2002 là 4.704 biên chế. Dù không tăng mạnh như Hà Nội nhưng biên chế tại TP.HCM năm 2013 cũng đã tăng 339 người so với năm 2012...
Đó chỉ là những con số gần nhất, mới nhất, còn nhiệm vụ tinh giản biên chế thì đã được đặt ra cách đây… 41 năm. Nói như vậy để thấy rằng nếu chờ giảm biên chế mới điều chỉnh lương thì không biết đến bao giờ, lương tối thiểu mới đáp ứng nhu cầu sống.
Việc giãn lộ trình tăng lương càng khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân thêm khó khăn. Ảnh: Hồng Đào
Đề án cải cách tiền lương một lần nữa trễ hẹn đã gây thất vọng không chỉ cho những đối tượng hưởng lương ngân sách mà rất nhiều người dân. Bởi lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng chưa tới 40% nhu cầu sống tối thiểu trong khi giá cả mỗi ngày mỗi tăng. Nên bị "treo" một ngày thì thu nhập của người dân bị teo tóp đi một phần, áp lực cuộc sống của họ tăng lên một bậc.
Nhưng thất vọng hơn khi chính các cơ quan có thẩm quyền thừa nhận, khoảng 30 - 50% công chức hiện nay chỉ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" và hưởng lương. Cảnh công chức chơi game, lướt web, rủ nhau shopping, đi chùa... trong giờ làm việc đã trở nên quen thuộc nhưng nhà nước vẫn cứ phải trả lương. Câu hỏi đặt ra là, tại sao biết rõ mà chúng ta không thể cắt bỏ một bộ phận công chức vô dụng này? Bởi cả nể, bởi không ít trong số đó là "dây mơ rễ má" của ông nọ, bà kia; bởi sợ "động chạm", bởi trót nhận tiền "chạy công chức", bởi đã lót tay, đi đêm; bởi "ưa" người dốt hơn mình...
Không cắt giảm biên chế thì không có tiền để cải cách lương. Nhưng cắt giảm biên chế thì có tiền sử ì ạch mấy chục năm nay và đến lúc này, vẫn chưa thể thực hiện. Vậy người dân phải chờ đến bao giờ mới được hưởng một vấn đề tất yếu, lương đủ sống?
Bình luận (0)