Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, 27 tuổi, nhân viên thu ngân siêu thị Maximark 3 Tháng 2 , cho biết trước khi làm thu ngân, chị đã trải qua nhiều nghề như phục vụ, bán hàng… Tuy nhiên, những công việc trên có thu nhập thấp và không ổn định. “Hiện nay, tôi đang trong giai đoạn thử việc nhưng mức lương đã là 2 triệu đồng/tháng, bằng lương chính thức của tôi khi làm phục vụ quán ăn. Tôi sẽ cố gắng làm thật tốt để được ký hợp đồng chính thức. Khi ấy, mức thu nhập có thể lên đến 4 - 5 triệu đồng/tháng. Với mức lương ấy, tôi có thể yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với đơn vị” - chị phấn khởi.

Hiện nay, nhu cầu thu ngân tại các cửa hàng, trung tâm mua sắm, siêu thị, nhà hàng, quán ăn khá nhiều nên đây cũng là công việc làm thêm được nhiều sinh viên (SV) lựa chọn. Anh Hoàng Văn Lâm, 22 tuổi, SV Trường ĐH Kinh tế TPHCM, phân tích: Công việc này làm theo ca nên anh có thể sắp xếp thời gian để không ảnh hưởng tới việc học. Công việc cũng không đòi hỏi bằng cấp hay kinh nghiệm, rất phù hợp với SV. Sau một thời gian ngắn làm thu ngân ở trung tâm thương mại, mức lương hiện tại của anh là 3,5 triệu đồng/ tháng.
Hằng năm, hệ thống siêu thị BigC, Co.opmart, Metro… thường xuyên tuyển dụng lao động cho vị trí thu ngân.
Nghề của sự tỉ mỉ, kiên trì
Đã làm việc 10 năm ở quầy thu ngân trong siêu thị, chị Hoàng Thị Linh, 29 tuổi, cho biết nghề thu ngân tuy không đòi hỏi cao về bằng cấp chuyên môn nhưng lại rất cần sự tỉ mỉ, nhanh nhẹn, chính xác; đặc biệt là phải trung thực. Chị Linh kể thời gian đầu vào nghề, chị gặp rắc rối nhiều trong khâu nhập mã hàng và phân loại hàng cho khách. Chị phải nhớ được vị trí của mã vạch trên bao bì sản phẩm để thực hiện thao tác quét mã hàng. Có nhiều mặt hàng phải nhập mã trực tiếp bằng tay, nhân viên thu ngân không những phải nhập chính xác mà còn phải thao tác thật nhanh để khách không phải đợi lâu. Chị tâm sự: “Chỉ cần nhập sai một số thì máy quét sẽ nhận diện và tính tiền vào mặt hàng khác với giá tiền khác. Đây là sai sót có thể gây hậu quả nghiêm trọng”.
Những ngày siêu thị đông khách, nhân viên thu ngân phải đứng làm việc liên tục 4 giờ. Lúc đang làm việc thì không ai có cảm giác đau nhức hay gò bó, khó chịu nhưng khi việc đã xong, bước ra khỏi quầy thì hai đầu gối bắt đầu đau ê ẩm, có nhiều lúc cổ tay cứng đơ vì trước đó phải bỏ nhiều hàng hóa vào bao bì cho khách. Tiếp xúc với máy quét và tiền cũng như mã sản phẩm nhiều cũng gây mỏi mắt.
Anh Vi Hồng, 22 tuổi (quận 5 - TPHCM), nhân viên thu ngân siêu thị Co.opmart, cho biết như vậy.
Là bộ mặt của siêu thị, đội ngũ thu ngân phải luôn vui vẻ, thân thiện với khách. Lúc khách hàng chen lấn, tranh nhau lên tính tiền trước, nhân viên thu ngân phải bình tĩnh dàn xếp, thuyết phục mọi người xếp hàng theo thứ tự. “Trong bất cứ trường hợp nào cũng không được nổi nóng với khách. Do vậy, nghề này cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn, nếu ai có tính dễ nổi nóng, sức chịu đựng kém thì sẽ không trụ được với nghề”- anh Hồng cho biết.
Chị Hồ Kim Loan, tổ trưởng tổ thu ngân siêu thị Maximark 3 Tháng 2, chia sẻ kinh nghiệm: Ngoài kỹ năng giao tiếp, thuần thục chuyên môn, nhân viên thu ngân phải có kiến thức cơ bản về vi tính vì các phần mềm quản lý tiền, sản phẩm luôn được nâng cấp, cải tiến. Không chỉ thế, nhân viên thu ngân phải có trí nhớ tốt để nhớ các chương trình khuyến mãi, ưu đãi ... |
Bình luận (0)