Việc chờ đợi kết quả phỏng vấn từ nhà tuyển dụng đôi khi khiến bạn cảm thấy khó chịu và đứng ngồi không yên. Đừng chỉ biết ngồi không chờ đợi trong vô vọng mà hãy làm điều gì đó rút ngắn thời gian chờ đợi này lại, thậm chí có thể ghi điểm thêm cho bản thân sau khi phỏng vấn kết thúc.
Các chuyên gia tuyển dụng khuyên ứng viên (ƯV) hãy viết thư cảm ơn sau khi phỏng vấn. Nếu như để có được buổi hẹn phỏng vấn trực tiếp, ƯV phải trải qua các giai đoạn như viết sơ yếu lý lịch, thư giới thiệu, sắp xếp lịch hẹn… thì sau khi kết thúc phỏng vấn trực tiếp, bạn cũng nên khép lại bằng một lá thư cảm ơn đến nhà tuyển dụng đã quan tâm và dành thời gian phỏng vấn, tìm hiểu mình. Không chỉ thể hiện sự lịch sự và tác phong chuyên nghiệp, điều này còn là hành động khéo léo nhằm thúc đẩy nhà tuyển dụng cho ƯV thông tin phản hồi về kết quả phỏng vấn, tránh bị quên hoặc sót thông tin. Hơn nữa, nếu họ đang trong giai đoạn lưỡng lự lựa chọn giữa bạn và một ƯV khác, hành động viết thư cảm ơn này được xem là một điểm cộng lớn, góp phần gia tăng khả năng trúng tuyển của bạn. Bởi lẽ, nhà tuyển dụng luôn lựa chọn nhân sự cho doanh nghiệp dựa trên tiêu chí tác phong làm việc của ƯV.
Viết thư cảm ơn nhà tuyển dụng sau phỏng vấn sẽ ghi thêm điểm cho ứng viên
Chủ động hỏi thăm kết quả phỏng vấn cũng là gợi ý mà các chuyên gia tuyển dụng khuyên ƯV nên làm. Khoảng 7 đến 10 ngày sau khi phỏng vấn là thời điểm phù hợp để ƯV làm điều này. Còn nếu nhà tuyển dụng đã hẹn bạn thời hạn phản hồi ngắn hơn, hãy đợi sau mốc thời gian đó khoảng 1 ngày để thực hiện cuộc gọi. Vì nếu bạn gọi vào đúng ngày nhà tuyển dụng dự kiến ra quyết định, nhiều khả năng bạn sẽ làm phiền họ.
Khi đã kết nối qua điện thoại, hãy giới thiệu với người nghe bạn là ai, đã tham gia phỏng vấn ngày nào, cho vị trí gì; sau đó hỏi xem họ có thể nói chuyện với bạn vài phút không. Tiếp theo, bạn hãy hỏi xem công ty đã ra quyết định tuyển dụng cho vị trí đó chưa. Nếu nhà tuyển dụng phản hồi vẫn chưa có kết quả, bạn hãy thể hiện rằng bản thân vẫn đang quan tâm đến vị trí này và chờ đợi kết quả. Sau đó, hãy lịch sự hỏi họ dự kiến khi nào sẽ quyết định và đừng quên cảm ơn nhà tuyển dụng đã dành thời gian nhận cuộc gọi và chia sẻ thông tin.
Nếu cảm thấy hình thức liên hệ qua điện thoại đôi khi gây phiền phức cho nhà tuyển dụng thì email sẽ trở thành công cụ chủ động liên hệ lịch sự và chuyên nghiệp hơn. Thời gian lý tưởng để bạn viết một email hỏi thăm kết quả phỏng vấn cũng tương đồng với hình thức liên hệ qua điện thoại.
Bình luận (0)