Căn nhà cổ hình ống của anh Đỏ nằm lọt thỏm ở góc chợ Hội An, trưng bày vô số khuôn mặt các danh nhân lịch sử được chế tác từ những gốc tre khô. Ông chủ cửa hàng gây ấn tượng với khách tham quan không chỉ với khuôn mặt hiền hậu và nụ cười chất phác mà còn ở đôi bàn tay khéo léo, đôi mắt ít khi nào rời khỏi chiếc đục và những gốc tre khô.
Có nghề mới nhờ… trận lụt
Đỏ “tre” là cách gọi trìu mến của người dân phố cổ Hội An dành cho anh Đỏ. Anh Đỏ năm nay 42 tuổi với 12 năm làm nghề điêu khắc. “Nhìn tôi, ai cũng nói ngoài 50 tuổi. Có lẽ do tôi thường phơi nắng để tìm những gốc tre ưng ý về chế tác nên trông già trước tuổi” - anh cười giải thích.
Anh Đỏ được cha mẹ cho tiếp xúc, học nghề điêu khắc gỗ một cách bài bản khi mới 15 tuổi. Anh là bà con trong họ với các nghệ nhân Huỳnh Sướng, Huỳnh Ri vốn nổi tiếng khắp làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, TP Hội An. Những thời điểm thăng trầm của nghề mộc, do thu nhập không đủ sống, có lúc anh phải đạp xe đi bán bánh chưng và bắp luộc để trang trải sinh hoạt. Lập gia đình, cuộc sống của anh cũng chẳng khá hơn bao nhiêu khi vẫn phải bươn chải đủ nghề để kiếm sống.
Một trận lụt ở Hội An vào cuối năm 2002 đã khiến cuộc đời Đỏ rẽ ngang một hướng khác với bất ngờ thú vị. Sau trận lụt ấy, anh vớt được vô số gốc tre từ thượng nguồn trôi dạt về. Nhìn hình thù kỳ dị của những gốc tre, trong đầu anh chợt lóe lên suy nghĩ: “Tại sao không thử chế tác những tác phẩm điêu khắc từ tre?”. Biến ý tưởng thành hiện thực, những lúc rảnh rỗi, anh lấy đồ nghề đục thử, tạo dáng khuôn mặt người từ những gốc tre.
Qua đôi tay khéo léo và nhãn quan nhạy bén của anh, các gốc tre vô tri, vô giác bỗng chốc biến thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Nhờ óc sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú của anh, những khuôn mặt của Bồ Đề Đạt Ma, Quan Công, Phúc - Lộc - Thọ... hiện ra rất mộc mạc và có hồn. Cũng từ lúc đó, anh quyết định dồn hết tâm huyết vào nghề.
Quà lưu niệm độc đáo
Anh Đỏ cho biết thời gian đầu, hai vợ chồng rất chật vật với việc tìm đầu ra cho các sản phẩm bởi không dễ thay đổi thị hiếu của khách. Không nản chí, vợ chồng anh tranh thủ đi khắp nơi để khảo sát thị trường. “Sáng phụ vợ chào bán sản phẩm, ban đêm tôi tiếp tục bán bánh chưng dạo để kiếm thêm thu nhập” - anh kể.
Khi sản phẩm bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường, đầu năm 2004, vợ chồng anh Đỏ quyết định mở cơ sở chế tác, trưng bày sản phẩm ngay tại nhà. Để đi tìm những gốc tre ưng ý về chế tác là cả một quá trình công phu và đầy vất vả. “Đào gốc từ đất cát thì dễ hơn ở nơi có đất sét, đất thịt. Tuy nhiên, những gốc tre được lấy từ đất sét, đất thịt thường đẹp hơn, cứng cáp hơn, đặc biệt là có kiểu dáng độc hơn nhiều” - anh tiết lộ.
Anh Đỏ cho biết việc điêu khắc trên tre có nhiều nét tương đồng với điêu khắc trên gỗ nhưng đòi hỏi sự khéo léo bởi thao tác khó hơn. Tùy hình dạng của mỗi gốc tre, nghệ nhân phải có cách chế tác phù hợp, tận dụng triệt để những đường nét độc đáo, tự nhiên. Bên cạnh đó, để thổi hồn vào sản phẩm, ngoài kiến thức lịch sử, nghệ nhân phải có óc thẩm mỹ, đặt biệt là sự sáng tạo. Chịu khó nghiên cứu và mạnh dạn thử nghiệm, anh Đỏ đã cho ra đời những sản phẩm hết sức độc đáo, thể hiện thần thái của từng nhân vật. Ngoài những sản phẩm truyền thống, để thu hút du khách, anh còn chế tác thêm một số sản phẩm mới hoặc làm theo yêu cầu, chủ yếu là danh nhân nước ngoài.
Một ngày anh Đỏ có thể tạo dáng cho hơn 15 gốc tre loại thường, mỗi gốc có thể bán với giá từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đối với nhiều gốc tre có thế lạ, anh phải mất ít nhất 1 buổi, thậm chí cả tuần để cho ra tác phẩm ưng ý và giá tất nhiên sẽ rất cao, có khi đến vài triệu đồng. Những sản phẩm độc đáo, mới lạ do anh làm ra không đủ bán, đơn đặt hàng từ các thành phố lớn như Đà Nẵng, TP HCM tới tấp.
Nhiều du khách nước ngoài đến thăm Hội An tỏ vẻ thích thú với những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo làm từ gốc tre của anh Đỏ và thường mua về tặng người thân. Với việc cho ra lò hàng ngàn tác phẩm từ gốc tre, gia đình anh có thể kiếm hơn 300 triệu đồng mỗi năm.
Anh Đỏ cho rằng cây tre là hình ảnh quá đỗi quen thuộc, thân thương trong đời sống của người Việt Nam, gắn liền với sinh hoạt hằng ngày. Việc tạo dáng những khuôn mặt trên gốc tre không chỉ góp phần lưu giữ nét văn hóa truyền thống của người Việt mà còn giúp nghề điêu khắc không bị mai một.
Bình luận (0)