Hiền lành, ít nói là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về anh Nguyễn Hồng Nhân, nhân viên huấn luyện kỹ thuật Công ty TNHH Quốc tế Unilever (KCN Tây Bắc Củ Chi, TP HCM). Thế nhưng, đến khi nói về công việc đang làm, anh bỗng trở nên sôi nổi và say sưa kể về những sáng kiến của mình.
Hết lòng với công việc
Mới 6 năm làm việc ở Unilever nhưng anh Nhân đã kịp cho ra đời 8 sáng kiến, làm lợi cho công ty mỗi năm trên 5,5 tỉ đồng. Nói về các sáng kiến của mình, anh nhẹ nhàng: “Cũng do yêu cầu của công việc mà ra. Nhìn những vấn đề bức xúc, nếu không làm được thì bứt rứt lắm”.
Trong các giải pháp, sáng kiến của mình, anh Nhân ấn tượng nhất là sáng kiến cải tiến giảm nước thải công nghiệp xưởng HCL. Mỗi ngày, nước thải công nghiệp của xưởng thải ra khoảng 130 m3 đến 150 m3, quản đốc đặt yêu cầu giảm còn 100 m3/ngày. Thế nhưng, sau đó, quản đốc mới về lại đặt ra yêu cầu cho công nhân (CN) toàn xưởng phải giảm lượng nước thải xuống còn 50 m3/ngày, chỉ bằng 1/3 hằng ngày.
Biết là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng anh Nhân quyết tâm phải làm bằng được. Ngày đi làm, anh quan sát kỹ từng quy trình, công đoạn; đêm về, anh thức để đưa ra các giải pháp. Sau một tuần nghiên cứu, anh đã đưa ra giải pháp giảm từ 27 công đoạn xuống còn 7 và lượng nước thải cũng giảm 2/3 so với bình thường, tiết kiệm cho công ty 1,2 tỉ đồng/năm. Sáng kiến của anh Nhân không chỉ tiết kiệm được nước, giảm chi phí cho doanh nghiệp mà còn giảm thiểu tác hại cho môi trường.
Làm ở công đoạn khuấy, hằng ngày nhìn thấy sản phẩm thực hiện xong, lượng dầu còn trong bồn không thể thu hồi được, anh Nhân cứ trăn trở. Anh mang chuyện này nói với quản đốc và được gợi ý dùng khí nén thổi. “Gợi ý này giúp tôi cho ra đời sáng kiến cải tiến có giá trị làm lợi 1,6 tỉ đồng. Ở Unilever, bất kỳ CN nào có ý tưởng mới đều được các quản đốc, phó quản đốc, các bộ phận khác nhiệt tình hỗ trợ để các ý tưởng thành hiện thực” - anh Nhân khẳng định.
“Anh hùng thầm lặng”
Khi chúng tôi hỏi đến bằng cấp, anh Nhân cười hiền: “Tôi không có gì hết ngoài bằng trung cấp cơ khí Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng”.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Củ Chi, do hoàn cảnh khó khăn, anh Nhân quyết định học nghề. Ra trường, anh đi xuất khẩu lao động 3 năm ở Nhật Bản và bắt đầu vào Unilever làm việc vào năm 2010. Anh kể: “Những năm tháng đi xuất khẩu lao động giúp tôi rất nhiều trong công việc như tinh thần kỷ luật, sự cần cù, siêng năng và không bao giờ lùi bước trước khó khăn”.
Hằng năm, Công ty Unilever đều tổ chức Hội thi sáng kiến Kaizen giữa các phân xưởng để tìm ra những cá nhân xuất sắc, những sáng kiến hay. Chính hội thi đã thúc đẩy tinh thần hăng say làm việc, tích cực sáng kiến của Nhân và đồng nghiệp. Ban đầu tham gia, anh chỉ đoạt được giải khuyến khích, sau đó là giải ba, rồi giải nhất. Sau mỗi sáng kiến, anh được Công đoàn và công ty khen thưởng. Đặc biệt, năm 2015, anh được bầu chọn là “Anh hùng thầm lặng” của công ty. Đây là danh hiệu công ty dành cho khoảng 7-8 cá nhân xuất sắc trong các lĩnh vực sản xuất, bán hàng, phân phối…
Đầu năm 2016, Nguyễn Hồng Nhân được chuyển sang bộ phận huấn luyện, chuyên huấn luyện cho CN mới và nâng cao nghiệp vụ cho CN cũ. Anh đã hết lòng truyền đạt những hiểu biết của mình cho anh em. Nhận xét về anh Nhân, CN Huỳnh Hữu Thời cho biết: “Anh ấy rất nhiệt tình trong việc truyền đạt kinh nghiệm cho thợ trẻ. Ai không hiểu điều gì có thể hỏi anh Nhân bất cứ lúc nào và anh đều kiên nhẫn chỉ dẫn đến khi nào hiểu mới thôi”.
Ông NGUYỄN ANH PHONG, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Quốc tế Unilever:
Tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp
Mỗi năm, công ty đều tổ chức các hội thi sáng kiến dành cho tất cả người lao động. Công đoàn cũng thành lập quỹ với số tiền 300 triệu đồng/năm để khen thưởng những cá nhân có sáng kiến hay. Nguyễn Hồng Nhân chính là một cá nhân điển hình trưởng thành qua các hội thi của công ty. Những điều Nhân làm được không chỉ tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa rất lớn về việc giảm tác hại cho môi trường.
Bình luận (0)