Tuy nhiên, theo The New York Times, nhiều công ty trong số này hiện nhận ra rằng họ không hề muốn nhân viên mãi làm việc từ xa nữa.
Nick Bloom, một nhà kinh tế học tại ĐH Stanford - chuyên gia về làm việc kết hợp xa và gần, giải thích quyết định của các công ty công nghệ Mỹ buộc nhân viên trở lại văn phòng là điều dễ hiểu. Bởi họ đã bỏ ra khá nhiều tiền mua bất động sản làm văn phòng. Nick Bloom cho biết làm việc từ xa không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) mà còn cho cả nhân viên. Về phía công ty thì họ không hề dư tiền, vì đã mua bất động sản làm văn phòng và trả đủ thứ tiền cho bất động sản đó. Về phía nhân viên thì lại cảm thấy bị mất hết các kết nối.
Mặt khác, không ít nghiên cứu gần đây đã xác nhận lại lợi ích của làm việc ngay tại văn phòng. Đầu năm 2023, một số nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang tại New York, ĐH Iowa và ĐH Harvard đã cùng viết một bài nghiên cứu. Trong đó, họ nêu làm việc từ xa cho một DN công nghệ dẫn đến việc giảm phản hồi đối với nhân viên, nhất là nhân viên mới.
Một số nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cũng phát hiện chuyện làm việc từ xa tại trường họ đã dẫn đến giảm sút 38% "mối quan hệ không thiết yếu". Đó là các kết nối tuy không chính thức nhưng lại góp phần thúc đẩy sự tiến bộ trong sự nghiệp của nhân viên.
Theo thống kê của Viện Gallup, hơn 90% người lao động có khả năng làm việc từ xa, hiện lại mong muốn sự linh hoạt về địa điểm làm việc. Và theo khảo sát của The New York Times, bây giờ, các hình thức làm việc tại văn phòng kết hợp với làm việc từ xa vẫn cao hơn đáng kể so với trước đại dịch.
Làm việc tại văn phòng dễ kết nối. Ảnh: UNSPLASH
Một số nhà nghiên cứu tại ĐH Stanford cho rằng tính đến tháng 7 vừa qua, gần 1/3 số người lao động có công việc ổn định ở Mỹ đang làm việc kết hợp. Họ dành một số ngày làm việc ở nhà và một số ngày tại văn phòng. Theo The New York Times, vừa qua nhiều công ty Mỹ tiếp tục yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng ngay trong mùa xuân hoặc chậm nhất là mùa hè này. Và họ đã áp dụng các chiến lược khác nhau để thúc đẩy chính sách này.
Công ty Giải trí Disney đã thông báo chuyện mỗi tuần làm việc 4 ngày tại văn phòng, trong khi Amazon thì 3 ngày trên tổng số 5 ngày làm việc theo Luật Lao động Mỹ. Meta (công ty mẹ của Facebook) và Lyft (công ty xe công nghệ) đặt hạn chót là tháng 9 tới, nhân viên làm việc từ xa đều phải quay lại văn phòng đầy đủ.
Các công ty khác cũng xây dựng những chiến lược bảo đảm nhân viên tuân thủ các chính sách về việc trở lại văn phòng. Đơn cử như Google đã yêu cầu hầu hết nhân viên phải đến văn phòng làm việc 3 ngày mỗi tuần. Theo ông Ryan Lamont, người phát ngôn của Google, chuyện không làm việc ở văn phòng không lý do, kéo dài sẽ có thể được xem xét khi đánh giá hiệu suất nhân viên.
Những chính sách mới nói trên, The New York Times cho rằng phản ánh việc các lãnh đạo DN công nhận làm việc xa lẫn gần là một hiện thực và vĩnh viễn nhưng hiện họ đã đồng ý thay đổi cách làm việc truyền thống.
Reuters cho biết trong cuộc họp báo cáo doanh thu tháng 5-2023, ông Eric Yuan, Giám đốc điều hành Zoom, rất tự tin về tương lai của hình thức làm việc kết hợp xa, gần. Ông khẳng định: "Tôi nghĩ hình thức làm việc kết hợp này sẽ tiếp tục tồn tại". Tuy Zoom chuyên cung cấp giải pháp làm việc từ xa nhưng đang yêu cầu mọi nhân viên có nơi ở trong bán kính 80 km của văn phòng phải quay lại làm việc một phần thời gian. Kế hoạch này dự kiến sẽ được thực hiện trong tháng 8 và 9-2023.
Bình luận (0)