Thông tin từ Bộ LĐ-TB-XH, tính đến nay, có khoảng 500.000 người Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài. Số lượng này gần đây có tăng lên, đặc biệt năm 2017 đã có hơn 134.000 người đi làm việc ở nhiều nước khác nhau. Điều qua trọng là một số thị trường tiềm năng trước đây khó khăn như Hàn Quốc cũng đã nối lại được.
Mỗi năm, tổng số tiền mà các lao động ở nước ngoài gửi về Việt Nam xấp xỉ khoảng 3 tỉ USD, tương đương hơn 76.000 tỉ đồng. Riêng tỉnh Nghệ An, mỗi năm số tiền từ lao động nước ngoài gửi về là 250 triệu USD, tương đương 5.000 tỉ đồng.
Xuất khẩu lao động đang đem lại nhiều cơ hội việc làm và thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB-XH cũng cho biết công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) còn những bất cập như tỷ lệ lao động bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước, ở lại lao động bất hợp pháp vẫn xảy ra ở một số thị trường. Đặc biệt là thị trường Hàn Quốc có lúc tỉ lệ bỏ trốn lên đến 50% khiến việc ký kết tiếp nhận lao động giữa hai nước gặp nhiều khó khăn.
Tình trạng cò mồi, môi giới, thu phí, trốn tránh trách nhiệm... của một số doanh nghiệp XKLĐ cũng xảy ra. Bộ LĐ-TB- XH cùng với Chính phủ đã tổ chức đối thoại với 282 doanh nghiệp XKLĐ nhằm tháo gỡ những gì khó khăn vướng mắc, đồng thời chấn chỉnh, yêu cầu các doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động ở địa phương phải thông báo công khai về số tiền phí và lệ phí thu của người lao động.
Bộ cũng công khai phí môi giới, lệ phí, số tiền mà người lao động phải đóng góp..., riêng hai chương trình EPS và IM Japan thì không thu phí, phi lợi nhuận.
Bình luận (0)