Lao động nữ sau khi sinh nếu sức khỏe yếu sẽ được nghỉ dưỡng sức
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, trả lời:
Theo khoản 1 điều 37 Luật BHXH thì lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại khoản 1 điều 30 hoặc khoản 2 điều 31 Luật BHXH mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày trong 1 năm. Người lao động (NLĐ) có thể nghỉ liên tục hoặc không liên tục, miễn là không vượt quá số ngày nghỉ tối đa cho phép.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần, ngày đi và về nếu nghỉ tại cơ sở tập trung. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành CĐ cơ sở quyết định, cụ thể như sau: Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ 2 con trở lên; tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật; bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác.
Theo quy định thì hồ sơ hưởng trợ cấp nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau thai sản gồm có: Danh sách NLĐ đề nghị hưởng trợ cấp nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau thai sản (mẫu C69a-HD); danh sách NLĐ hưởng trợ cấp nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau thai sản do tổ chức BHXH lập và xét duyệt.
Như vậy để NLĐ được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thời gian hưởng chế độ thai sản, người sử dụng lao động (bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài … chịu sự điều chỉnh của pháp luật BHXH) trước hết phải phối hợp với Ban Chấp hành CĐ cơ sở quyết định số NLĐ và số ngày nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau thai sản theo quy định và chi trả trợ cấp.
Sau đó, nộp danh sách C69a-HD cho cơ quan BHXH để được giải quyết và quyết toán lại số tiền chi trả trợ cấp nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe mà doanh nghiệp đã thanh toán trước cho NLĐ.
Bạn đọc có thể gửi câu hỏi thắc mắc về pháp luật lao động theo địa chỉ: Chuyên mục “Tư vấn pháp luật lao động”, 14 Cách Mạng Tháng Tám, quận 1- TPHCM hoặc e-mail: phapluatlaodong@nld.com.vn |
Bình luận (0)