Nhiều phụ nữ Philippines đến Jordan giúp việc nhà với hy vọng thoát nghèo
Bị đánh đập, lạm dụng và bỏ trốn
Theo những lời quảng cáo, với chi phí khoảng 200 USD/tháng, các gia đình có thể thuê người làm những công việc hàng ngày như dọn dẹp, nấu ăn, chăm sóc trẻ em, người già và người tàn tật. Ước tính 50.000 lao động giúp việc nhà có đăng ký chính thức ở Jordan, ngoài ra còn có hàng chục nghìn lao động không có giấy tờ. Hầu hết trong số đó là phụ nữ.
10 năm trước, ở tuổi 20, Joanna rời quê hương ở Philippines đến Jordan để giúp việc một gia đình ở Thủ đô Amman. Khi Joanna rời bỏ quê hương đến Jordan, con gái cô mới 1 tuổi. “Khi các bác sĩ phát hiện ra con gái bị khuyết tật tim bẩm sinh và cần khoản tiền lớn để điều trị, tôi ngay lập tức tìm kiếm công việc ở nước ngoài”, Joanna kể lại. Gia đình chủ đối xử không tốt với cô. Joanna phải làm việc từ 5 giờ sáng đến nửa đêm, chỉ được phép ăn thức ăn thừa và luôn trong tình trạng bị đói.
Shirley cũng đến từ Philippines cho biết, cô đã bị chủ nhà đánh đập trong vài tháng. Cô đến Jordan vì sức hấp dẫn của mức lương 400 USD/tháng. “Chủ gia đình không cho phép tôi rời khỏi nhà, buộc phải làm việc tới 20 giờ mỗi ngày và không có ngày nghỉ”, Shir Shirley nói.
Lao động giúp việc nhà ở Jordan phần lớn đến từ Philippines, Bangladesh, Sri Lanka và Uganda - những người mong muốn có được cơ hội thoát khỏi nghèo đói. Một số đến Jordan thông qua các cơ quan cung cấp người lao động ở nước sở tại trong khi những người khác tìm việc thông qua các mối quan hệ cá nhân. Hầu hết, tất cả đều bị mắc kẹt trong các tình huống lạm dụng và khai thác sức lao động.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở Jordan cho biết, đã ghi nhận trường hợp các gia đình chủ đánh người giúp việc, nhốt họ trong nhà, không cho ăn và từ chối chăm sóc y tế. Một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố năm ngoái cũng cho rằng, một số chủ gia đình ở Jordan không trả lương, tịch thu hộ chiếu của người giúp việc bất hợp pháp. Điều kiện sống của người lao động không được đảm bảo an toàn.
Sôi động “chợ” lao động giúp việc trực tuyến
“Vấn đề của hệ thống Kafala là người sử dụng lao động coi người lao động là tài sản của mình. Một người giúp việc gia đình sống trong nhà thường được gọi là “Sri Lanka của tôi” hay “Filipina của tôi” như thể người lao động thuộc về họ. Bất cứ ai làm công việc này đều được coi như nô lệ”, Linda Al-Kalash, Giám đốc của Tamkeen, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ pháp lý cho người lao động nhập cư ở Jordan nói.
Theo Tamkeen, mặc dù hệ thống pháp luật của Jordan đã có nhiều quy định mới nhưng lao động giúp việc nhà vẫn chưa được đối xử công bằng. Họ bị coi là công dân hạng hai, thiếu các biện pháp đảm bảo an ninh, lương tối thiểu, an sinh xã hội chưa được đảm bảo… Theo Kalash, lao động giúp việc nhà đang phải đối mặt với sự phân biệt có hệ thống. Bể bơi và khu nghỉ mát Biển Chết có cảnh báo “không cho phép người giúp việc” vào.
Sự phân biệt đối xử bắt đầu từ các cơ quan tuyển dụng, thường coi lao động nhập cư là hàng hóa. Khoảng 190 cơ quan như vậy tồn tại ở Jordan. Các cơ quan tuyển dụng đưa người lao động lên các website, cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như nước da, tôn giáo, chiều cao, cân nặng và định giá theo quốc tịch. Hình ảnh khuôn mặt, cơ thể phụ nữ, thậm chí là bản sao hộ chiếu của người giúp việc cũng được đưa lên mạng. Các nhà tuyển dụng nói rằng, các gia đình không muốn thuê phụ nữ da đen mà chỉ thích những người phụ nữ có làn da trắng, mịn màng.
Bình luận (0)