Ngay trong tháng 9, thời điểm dịch bệnh ở nước ta còn phức tạp, Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã tổ chức xuất cảnh cho 68 điều dưỡng viên nhóm chăm sóc người già sang học tập và làm việc tại 18 viện dưỡng lão của thủ đô Berlin, Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức. Với mức lương khởi điểm cho điều dưỡng vừa học vừa làm tại Đức, các điều dưỡng Việt được hưởng từ 1.000 đến 1.200 euro (tương đương 27 đến 30 triệu đồng). Đây là một trong những thị trường trọng điểm được Bộ LĐ-TB-XH tập trung đẩy mạnh phát triển bởi có mức thu nhập cao, ổn định và không giới hạn thời gian làm việc.
Lương cao, phúc lợi tốt
Các nhà máy, nông trại đến công trường tại nhiều nước châu Âu đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng ngay khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Giữa tháng 10 vừa qua, Vương quốc Anh đã cấp thị thực khẩn cấp cho 800 thợ giết mổ gia súc người nước ngoài để tránh phải tiêu hủy những con heo sắp đến kỳ xuất chuồng vì nhiều lao động phổ thông trong ngành thịt heo và công nghiệp thực phẩm đã về quê trong đại dịch và không trở lại. Trước đó, Anh cũng đã thông báo kế hoạch cấp visa tạm thời cho 5.000 tài xế xe tải và 5.500 công nhân chăn nuôi gia cầm để giải quyết khủng hoảng nhân sự cho ngành vận tải và chăn nuôi.
Điều dưỡng Việt Nam chụp ảnh cùng các đồng nghiệp Đức trong một viện dưỡng lão tại thủ đô Berlin
Tại CHLB Đức, Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW) cho biết dân số già nhanh chóng trong khi tỉ lệ sinh thấp khiến nền kinh tế nước này cần ít nhất 400.000 lao động nước ngoài có kỹ năng, từ y tá, điều dưỡng, xây dựng, xuất nhập khẩu, giáo dục... mỗi năm trong năm nay và các năm tới. Để thu hút lao động từ nước ngoài, nhiều chính trị gia của Đức kêu gọi Chính phủ cần hiện đại hóa quy định về nhập cư và nên có thang điểm di cư như cách Canada và New Zealand đã làm từ lâu để thu hút những người di cư có kỹ năng mà nền kinh tế cần. Ông Marten Winter, Điều phối dự án quốc tế, Tập đoàn Xây dựng BIW (Đức), cho biết mục tiêu từ nay đến năm 2025, BIW sẽ phải tuyển dụng từ 2.000 đến 3.500 lao động cho các vị trí việc làm ngành xây dựng từ nhiều nước khác nhau trên thế giới, trong đó tập trung chủ yếu tại Việt Nam. BIW đang đàm phán để hợp tác về lao động việc làm với một số đối tác có kinh nghiệm và uy tín tại Việt Nam. "5 năm qua, BIW đã tiếp nhận khoảng 100 lao động Việt Nam và đang học tập, làm việc tại CHLB Đức. Số lao động này đã thể hiện được kỹ năng nghề nghiệp rất tốt và đó là lý do chúng tôi chọn Việt Nam để mở rộng hợp tác. Các bạn trẻ Việt Nam học tập rất nhanh, làm việc rất chuyên nghiệp và siêng năng hơn bất cứ lao động nào người nước ngoài đang có ở Đức" - ông Marten Winter nhận xét.
Ngoài chương trình du học nghề vừa học vừa làm, Đức cũng đang đẩy mạnh tuyển lao động có tay nghề trình độ kỹ sư các ngành công nghệ, xây dựng và thực phẩm. Những lao động đủ tiêu chuẩn đến Đức theo diện kỹ sư được hưởng mức lương cao tương đương người Đức và những phúc lợi rất tốt của nước này.
Yêu cầu đơn giản
Ở Rumani và Hungary, các nhà máy lắp ráp điện tử, các xưởng gỗ, dự án xây dựng… cũng đang chờ lao động từ nước ngoài. Khác với sự khắt khe của Đức và Anh, lao động Việt Nam rất dễ dàng sang các nước đông Âu làm việc.
Theo đại diện Công ty CP Phát triển Giáo dục và Nhân lực quốc tế Bình Minh (Long Biên, Hà Nội), hiện nay, người lao động (NLĐ) Việt Nam đi xuất khẩu lao động tại Rumani chủ yếu làm việc trong ngành cơ khí, xây dựng, mộc, may công nghiệp, thực phẩm và giúp việc. Mức lương khởi điểm từ 800 đến 1.200 USD mỗi tháng cho 24 ngày công làm việc, tăng ca sẽ tính tiền thêm theo quy định của Rumani. Để thu hút lao động, chủ sử dụng lao động ở Rumani sẵn sàng hỗ trợ vé máy bay đến và về cho NLĐ, bao chi phí ăn ở trong suốt quá trình làm việc tại nước này.
Lao động sang Rumani đa phần làm những công việc phổ thông. Do đó, phía Rumani chỉ yêu cầu bằng cấp từ cấp 2 trở lên, không cần chứng chỉ tiếng Anh hay tiếng bản địa. Yêu cầu giản đơn này rất phù hợp với lao động các vùng quê còn nhiều khó khăn. Chỉ cần trong độ tuổi lao động và có kinh nghiệm, tay nghề làm việc ở lĩnh vực ngành nghề tham gia thì đều có thể xuất cảnh. Mức phí tham gia hiện nay cũng rất thấp, phù hợp với lao động nghèo.
Ông Ngô Quang Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Long GLC (quận Hà Đông, TP Hà Nội), cho biết công ty đã đưa hàng trăm lao động sang thị trường Hungary. Trong đó, ngành nghề được tuyển dụng nhiều nhất là xây dựng. Mức thu nhập chủ sử dụng lao động đưa ra đối với lao động có tay nghề thợ mộc, thợ xây, thợ sắt 900 - 1.000 USD; y tá công trường 1.600 USD. Đối với những lao động có trình độ cao như kỹ sư trắc địa thì lương từ 1.800 - 2.200 USD/tháng, kỹ sư xây dựng lương 3.100 - 3.600 USD/tháng. Mức lương được cho là khá hấp dẫn như vậy nhưng chi phí đi xuất khẩu lao động sang Hungary lại khá mềm. Với đơn hàng tốt, NLĐ chỉ phải trả mức phí trên dưới 50 triệu đồng cho hợp đồng làm việc 2 năm tại Hungary. Hầu hết những đơn hàng đi lao động tại Hungary đều được chủ lao động chi trả tiền ăn, chỗ ở và vé máy bay đi về nước khi hợp đồng lao động kết thúc. Vì thế, tiền lương của lao động hoàn toàn có thể được bảo toàn để gửi về gia đình.
Được đánh giá cao
Theo ông Ngô Quang Việt, hiện các đối tác lớn của công ty ông tại các nước Romania, Hungary đều tích cực đàm phán để đưa lao động Việt sang nước họ càng nhiều càng tốt. Các ngành nghề, vị trí công việc và cả mức lương cũng liên tục được đẩy lên cao để thu hút NLĐ. Một điều ông Việt rất tự hào là lao động Việt Nam tại các nước này được phía bạn đánh giá cao từ những vị trí làm việc thấp nhất đến cấp quản lý. Chưa một lao động nào vi phạm pháp luật nước sở tại hay có hành vi làm tổn hại quan hệ lao động việc làm giữa hai bên.
Bình luận (0)