Sau khi báo Người lao động cho đăng tải Loạt bài điều tra "Lao động Việt kêu cứu từ đất khách", chúng tôi nhận được ý kiến của bạn đọc bày tỏ sự bất bình đối với hành vi lừa đảo, chiếm dụng tiền người lao động (NLĐ) của Công ty TNHH Youko.
Gởi ý kiến đến tòa soạn, bạn đọc Nguyễn Ngọc Hùng, đặt câu hỏi: "Tại sao những chuyện như thế này thường xuyên xảy ra mà không có ai giải quyết, ngăn chặn. Khốn khổ quá". Còn bạn đọc Trương Chánh Đảm, bày tỏ thái độ giận dữ: "Thật là mất nhân tính. Người ta phải chạy tiền chạy bạc mới có để mong kiếm được việc làm. Bà ăn tiền người ta như vậy lưới trời lồng lộng bà trốn đâu cho thoát. Luật nhân quả sẽ không tha cho bà đâu". Có cùng suy nghĩ này, bạn đọc tên Thái, bày tỏ: "Cái này là thất đức quá, là con người ham lao động kiếm tiền mà còn bị lừa gạt, bà chủ này không phải con người.".
Các nạn nhân đến Báo Người Lao Động tố cáo Công ty Youko Ảnh: GIANG NAM
Bức xúc trước những thông tin về hành vi lừa gạt NLĐ của lãnh đạo Công ty TNHH Youko, cụ thể là bà Phương, bạn đọc Hoàng Xuân Tính, đề nghị: "Pháp luật phải can thiệp nhanh vụ việc không bà này còn lừa nhiều người nửa". Tương tự, bạn đọc Trung Hiếu, đề nghị các cơ quan chức năng sớm điều tra, xử lý nghiêm vụ việc này. Ban đọc có tên Phan Nga thì cũng mong muốn hành vi lừa đảo của Công ty TNHH Youko phải bị trả giá. Một bạn đọc tên Mai đề nghị số lao động bị Công ty TNHH Youko lừa sang Nhật nên mang hồ sơ liên quan công ty này đến lãnh sứ Nhật hoặc đại sứ Nhật nhờ họ báo động với cơ quan xuất nhập cảnh phía Nhật.
Tuy nhiên, cũng có bạn đọc bày tỏ sự hồ nghi về cách thức xử lý vụ việc "Làm sao mà xử lý được bởi vì nó đã lấy tiền của mọi người nhét vào miệng những người biết chuyện này, vì thế người ta im là phải. Hoặc có đem ra xử lý thì cũng chỉ đi vài năm"- bạn đọc Nguyễn Hoàng Thái, bày tỏ. Bạn đọc có tên Công Lý thì cho rằng một mình "siêu lừa đảo" Trần Thị Hoàng Phương thì không thể "hành nghề" từ 2014 đến nay được. Bạn đọc này đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý những người tiếp tay cho những sai phạm của bà Phương.
Một số giấy cam kết của Công ty Youko với người lao động
Theo bạn đọc Lê Văn Phan, để xảy ra vụ việc nói trên không thể không nói đến trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cụ thể là VKSND đã để lọt tội và để siêu lừa có cơ hội nhởn nhơ ra xã hội hại người.
Luật sư Đặng Anh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đặng và Cộng sự
Qua nghiên cứu hồ sơ do chúng tôi cung cấp, Luật sư Đặng Anh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đặng và Cộng sự (Hà Nội), phân tích: "Tháng 4-2015, bà Trần Thị Hoàng Phương đã bị khởi tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", thể hiện qua Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06 và Quyết định khởi tố bị can số 43 của Cơ quan CSĐT Công an TP HCM. Theo quy định của pháp luật, sau khi có quyết định khởi tố bị can, trong từng trường hợp cụ thể và xét thấy cần thiết CQĐT thực hiện áp dụng một trong các biện pháp ngăn chặn được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự gồm: giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
Trường hợp của bà Phương nếu không áp dụng các biện pháp như tạm giữ, tạm giam ... thì bà Phương vẫn được tại ngoài và chỉ bị hạn chế một số quyền theo biện pháp ngăn chặn được áp dụng. Pháp luật không quy định người bị khởi tố (trong trường hợp được tại ngoại) phải thôi đảm nhận chức vụ hoặc nghỉ việc (trong vụ án này chỉ khởi tố bị can là cá nhân, Công ty TNHH Youko là pháp nhân vẫn hoạt động), do vậy nếu có căn cứ cho rằng việc bà Phương tiếp tục đưa người lao động ra nước ngoài trái phép trong thời gian điều tra thì đây là hành vi tiếp tục phạm tội và bà Phương phải chịu trách nhiệm về hành vi này. Cũng theo Luật sư Đức, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, thời hạn điều tra có thể được gia hạn tùy theo tính chất của vụ án, loại tội phạm.
Bình luận (0)