Hiện Việt Nam có khoảng 500.000 người đang làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Riêng năm 2017 có khoảng 134.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Bình quân mỗi năm, người lao động (NLĐ) gửi về nước gần 3 tỉ USD.
Ảnh minh họa
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Lý, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết ngoài việc mang lại thu nhập cho bản thân và gia đình, đất nước, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài cũng phải đối mặt nhiều thách thức, rủi ro tiềm ẩn. Là tổ chức đại diện bảo vệ quyền hợp pháp của NLĐ, CĐ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc làm, thu nhập và quyền của NLĐ di cư Việt Nam cũng như mong muốn bảo đảm tuyển dụng công bằng và việc làm bền vững cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và hỗ trợ họ khi về nước. "Điều quan trọng là phải sửa đổi, bổ sung luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhằm tăng cường vai trò của CĐ với tư cách là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài cũng như quá trình xây dựng luật pháp, chính sách và chương trình" - ông Lý bày tỏ.
Ông Chang-hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, cho rằng các dòng lao động di cư cần được quản lý thông qua sự đồng thuận ba bên, bao gồm Chính phủ, CĐ và người sử dụng lao động tại cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. "CĐ là đại diện cho tiếng nói của NLĐ trong cơ cấu ba bên của ILO. Nếu không có tiếng nói mạnh mẽ thì việc bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp cho lao động Việt Nam ở nước ngoài khó có thể thực hiện được" - ông Chang-hee Lee khẳng định.
Bình luận (0)