Nếu quay về, cô sẽ không thể trả nổi 10.000 USD đã vay để trả cho các nhà tuyển dụng ở Việt Nam. "Cô ấy cần ở lại để trả hết nợ", ông Shiro Sasaki, tổng thư ký của Công đoàn Công nhân Zentoitsu (All United), người biện hộ của cô nói và cho biết những mối đe dọa như thế rất phổ biến. Hy vọng có được mức lương cao hơn nhưng phải chịu gánh nặng từ các khoản vay, nhữngthanh niên Việt Nam - nhóm lao động nước ngoài phát triển nhanh nhất ở Nhật Bản - sẽ nằm trong số những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi một chương trình mới khởi động vào tháng 4 tới, nhằm thu hút thêm nhiều công nhân tay nghề cao đến Nhật Bản.
"Thực tập sinh đến từ Trung Quốc đã giảm vì lương ở đó tăng do sự phát triển kinh tế, trong khi đối với Việt Nam, tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ có trình độ học vấn lại cao, vì thế rất nhiều người trẻ muốn đi nước ngoài làm việc", Futaba Ishizuka, một nghiên cứu sinh tại Viện Kinh tế Phát triển cho biết. Chương trình thực tập sinh kỹ thuật được biết đến rộng rãi như một cánh cửa cho lao động tay nghề cao ở Nhật Bản. Những sự lạm dụng lao động ở Nhật Bản bao gồm tiền lương thấp và việc quỵt lương, làm việc quá giờ, bạo lực và quấy rối tình dục. Ở Việt Nam, những người tuyển dụng và môi giới vô đạo đức thường thu rất nhiều tiền của các thực tập sinh.
Lao động nước ngoài chăm sóc người già Nhật. Ảnh: REUTERS
Theo các cuộc phỏng vấn với các nhà hoạt động, học giả, công đoàn viên và thực tập sinh, các vấn đề như vậy sẽ tồn tại và có thể trở nên tồi tệ hơn khi hệ thống mới, với mục tiêu giảm bớt tình trạng thiếu lao động, đi vào hoạt động. Thủ tướng Shinzo Abe, người có xu hướng lo ngại tội phạm gia tăng và đe dọa đất nước cũng như kết cấu xã hội, đã khẳng định rằng luật mới, vốn được ban hành vào tháng 12, không phải là "chính sách nhập cư". Điều đó khiến các nhà nghiên cứu lo lắng.
"Trên thực tế, Nhật Bản đã là một quốc gia của những người nhập cư. Nhưng vì họ nói rằng đó không phải là một chính sách nhập cư, và rằng mọi người sẽ không ở lại, họ chỉ làm việc tạm thời, nên nhu cầu của xã hội không được đáp ứng, và nhu cầu của người lao động cũng không được đáp ứng.", ông Akira Hatate, giám đốc tổ chức Công đoàn Tự do Dân sự Nhật Bản cho biết.
Những con số gia tăng
Chương trình thực tập sinh bắt đầu vào năm 1993 với mục đích chuyển giao kỹ năng cho công nhân từ các nước đang phát triển. Nhưng những sự lạm dụng nhân công đã phát triển từ rất sớm, theo các chuyên gia. Các trường hợp đáng chú ý nhất là bốn công ty sử dụng thực tập sinh cho công việc khử nhiễm trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi bức xạ sau thảm họa hạt nhân Fukushima vào tháng 3-2011.
Hai công ty khác, cũng bị cáo buộc không trả lương thỏa đáng, đã bị cấm sử dụng thực tập sinh trong năm năm. Những công ty còn lại cũng đã nhận được cảnh cáo từ Bộ Tư pháp Nhật Bản. Một cuộc khảo sát của bộ lao động được công bố vào tháng 6 cho thấy hơn 70 phần trăm công ty sử dụng lao động đã vi phạm các quy tắc lao động, chủ yếu liên quan đến àm việc quá giờ và an toàn lao động. Tổ chức đào tạo thực tập kỹ thuật (OTIT), một tổ chức giám sát, được thành lập vào năm 2017.
Trong tháng này, OTIT đã đưa ra một lời nhắc nhở cho các nhà tuyển dụng rằng các thực tập sinh được bảo vệ bởi luật lao động Nhật Bản, đặc biệt cấm đối xử không công bằng đối với người lao động mang thai.
Các điều kiện khắc nghiệt đã khiến hơn 7.000 thực tập sinh bỏ việc trong năm 2017, các chuyên gia cho biết. Nhiều người bị dụ dỗ bởi các nhà môi giới hứa công việc lương cao, gần một nửa trong số này đến từ Việt Nam. Do các thực tập sinh không được phép đổi công ty, bỏ việc thường có nghĩa là mất thị thực hợp pháp. Vài người đã tìm đến các tổ chức phi lợi nhuận hoặc nhận được sự giúp đỡ từ các công đoàn; nhiều người tham gia vào chợ đen lao động và rơi vào tình trạng cư trú bất hợp pháp.
"Tình hình hoàn toàn khác so với những gì họ được kể khi ở quê nhà. Họ có những khoản nợ không thể trả với mức lương ở Việt Nam, vì vậy lựa chọn duy nhất là tham gia thị trường lao động chợ đen", ông Shigeru Yamashita, Giám đốc điều hành Hiệp hội tương trợ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết.
Một lao động Việt Nam đang làm việc tại một nhà máy ở Nhật. Ảnh: Nikkei Asian Review
Giải quyết tình trạng thiếu hụt
Luật mới sẽ cho phép khoảng 345.000 công nhân tay nghề đến Nhật Bản trong vòng năm năm trong 14 lĩnh vực như xây dựng và chăm sóc điều dưỡng, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động. "Người lao động có tay nghề cao được chỉ định" có thể ở lại tới năm năm nhưng không thể mang theo gia đình.
Loại thị thực thứ hai, hiện chỉ giới hạn trong ngành công nghiệp xây dựng và đóng tàu, cho phép công nhân mang theo gia đình và được phép ở lại lâu hơn. Nguyễn Thị Thúy Phương, 29 tuổi, để lại chồng và đứa con ở độ tuổi tiểu học ở Việt Nam đi làm thực tập sinh trong một nhà máy dệt kim ở TP Mitsuke ở miền bắc Nhật Bản.Ngành dệt may không được đưa vào chương trình thị thực mới vì số lượng vi phạm lao động cao trong các chương trình thực tập sinh. Bây giờ cô ấy ước mình có thể mang theo gia đình và ở lại lâu hơn thời hạn ba năm. "Cuộc sống tại Nhật Bản rất tiện nghi và không khí trong lành" cô nói với hãng tin Reuters bằng tiếng Nhật trong giờ nghỉ.
Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sẽ giám sát người lao động nước ngoài mới đến. Cơ quan Di trú của Bộ Lao động sẽ trở thành một cơ quan riêng biệt vào ngày 1-4, đem lại cho cơ quan này nhiều ảnh hưởng hơn. Gần đây, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã ban hành các quy tắc cho cơ chế mới, bao gồm việc yêu cầu người lao động nước ngoài được trả ít nhất bằng người lao động Nhật.
Nhưng Sasaki cho biết trọng tâm của cơ quan này sẽ là tình trạng cư trú, không phải điều kiện lao động.
Người Việt sống ở Nhật Bản đón năm mới của người Việt tại một nhà thờ Công giáo ở Kawaguchi, gần Tokyo, Nhật Bản ngày 10 tháng 2 năm 2019. Ảnh: REUTERS
Một số công ty đã thức tỉnh trước nguy cơ mất nhà đầu tư nếu họ hoặc nhà cung cấp của họ vi phạm quyền của người lao động, Liên minh Tự do Dân sự Nhật Bản Hat Hatate cho biết. Nhưng việc vội vàng thực hiện luật mới đã khiến chính quyền địa phương lo lắng rằng vẫn còn quá ít sự hỗ trợ cho sự hòa nhập của nhiều người nước ngoài.
Ông Takashi Takayama, tên tiếng Việt là Cao Sơn Quý, đã rời khỏi Việt Nam để tị nạn vào năm 1979. Ông nhớ lại cách người nước ngoài bị sa thải sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và lo ngại một kịch bản tương tự khi nhu cầu lao động giảm sau Thế Vận hội Tokyo 2020. "Khi Thế vận hội kết thúc, tôi nghĩ một sự kiện bi thảm sẽ xảy ra. Tôi không muốn thấy điều đó", ông Takayama nói trong lễ đón năm mới của người Việt tại một nhà thờ Công giáo ở ngoại ô Tokyo.
Bình luận (0)