“Cuộc đời tôi đúng là 3 chìm 7 nổi 9 lênh đênh” - nghệ nhân Nguyễn Quang Toản nửa đùa nửa thật khi kể về chuyện đời, chuyện nghề của ông. Nổi tiếng với nghề “có 1 không 2” tại Đà Nẵng, ở tuổi 63, ông Toản vẫn cho ra lò mỗi ngày hàng trăm con ngựa đất.
Nối nghiệp tổ tông
Gia đình ông Toản vốn nổi tiếng với nghề đúc ngựa đất - một sản phẩm tinh thần được ưa chuộng, được đặt trang trọng trên bàn thờ của nhiều gia đình, tộc họ. Vì nhiều lý do khác nhau, anh em trong gia đình không ai theo nghề và thoạt đầu, ông Toản cũng không phải là ngoại lệ.
Sau ngày đất nước thống nhất, do gia cảnh khó khăn nên ông Toản làm đủ nghề như thợ xây, sửa xe, cơ khí cho đến lái xe để mưu sinh. Thế nhưng, cái nghèo vẫn đeo đuổi ông. Trong một lần về thăm nhà và thắp hương cho tổ tiên, nhìn thấy những con ngựa đất trên bàn thờ, ông Toản thầm nghĩ: “Khi trước, ông bà mình sống khỏe với nghề này. Mình là con cháu, không nối được nghiệp là có lỗi với tổ tông”.
Sau khi tự dằn vặt mình, ông Toản quyết định dẹp tự ái để vực dậy nghề truyền thống của ông nội và cha đã từng làm. Nghĩ là làm, một mình ông lặn lội ra Huế, thậm chí vào tận Lái Thiêu ở Bình Dương để học nghề đúc ngựa đất. Từng phụ giúp ông nội và cha đúc ngựa đất lúc nhỏ nên ông Toản học rất nhanh và hấp thụ được tinh hoa của nghề.
Khi đã rành nghề, ông Toản về quê dựng lều làm xưởng, tự tay làm khuôn đúc ngựa, đắp lò nung và tìm nơi tiêu thụ… Khó khăn, vất vả không ít nhưng ông luôn biết cách tự động viên mình vượt qua. Cứ thế, bằng sự quyết tâm và sự kiên trì, ông gầy dựng cơ ngơi và khẳng định tên tuổi bằng những sản phẩm độc đáo.
Bảo tồn văn hóa dân tộc
Xưởng sản xuất ngựa đất rộng chưa đầy chục mét vuông của ông Toản bày biện la liệt dụng cụ làm nghề. Trong khoảng không gian chật hẹp, dù lưng áo đẫm mồ hôi nhưng ông vẫn mải mê nhồi đất, ép khuôn trước khi đem ngựa ra lò nung.
Lau vội giọt mồ hôi trên trán, nghệ nhân Nguyễn Quang Toản trải lòng: “Học đã khó, làm cho nghề hưng thịnh còn khó hơn. Sống được với nghề và gìn giữ được nghề truyền thống của gia đình, tôi thấy mãn nguyện lắm rồi”.
Quan sát đôi bàn tay gân guốc song tài hoa của ông Toản khi nhồi đất sét, ép khuôn và trang trí sản phẩm, chúng tôi cảm nhận được tình yêu nghề nghiệp ở nghệ nhân này. Theo ông, để làm được một con ngựa đẹp, yêu cầu bắt buộc là phải có khuôn chuẩn. Khuôn chuẩn làm từ đất nhưng được nung dày thân hơn để tạo độ cứng và ép dáng ngựa. Bằng kiến thức lẫn kinh nghiệm, ông Toản đã khắc vô số họa tiết tinh xảo tạo dáng cho ngựa trong khuôn.
Để có những sản phẩm chất lượng đáp ứng yêu cầu của khách hàng, ông Toản đặc biệt coi trọng khâu lựa chọn nguồn nguyên liệu. Đất sét đúc ngựa phải là loại tốt, không pha lẫn tạp chất, được lấy từ ven sông ở Vĩnh Điện. Kỹ thuật pha đất sét với nước cũng được ông dày công nghiên cứu, nhờ vậy vẫn bảo đảm độ dẻo cho việc ép khuôn. Đất sét nhào sẽ được cán một lớp mỏng hình chữ nhật (khoảng 1 cm) và ấn vào khuôn. Để hoàn thiện một con ngựa đất, nghệ nhân phải thực hiện hàng chục công đoạn hết sức công phu.
Ngựa đất khi ra khuôn được mang phơi nắng khoảng 1 ngày, sau đó mới nung. Về bí quyết canh lửa, ông Toản tiết lộ: “Khi thấy làn khói có quầng đen đặc bốc lên là lúc thích hợp nhất để hoàn tất khâu nung ngựa. Lúc ấy, màu da và dáng ngựa đất đẹp nhất, nếu để muộn hơn thì ngựa sẽ bị biến dạng”.
Nung xong, ngựa tiếp tục được nhúng qua 2 lớp sơn. Chờ lớp sơn bên ngoài khô, nghệ nhân sẽ tiếp tục công đoạn trang trí các họa tiết như bờm, yên cương, tai, mắt… Theo ông Toản, để có được một sản phẩm đẹp, nghệ nhân phải biết thổi hồn vào, xem đó là cách thể hiện lòng thành kính với tổ tiên.
Mỗi cặp ngựa đất, tùy theo kích cỡ, có giá dao động từ 25.000 đến 40.000 đồng. Với 4 mẻ ngựa đất ra lò mỗi tháng, trừ chi phí, ông Toản kiếm được khoảng 6-7 triệu đồng. Nhiều người cho rằng ông Toản là “lão gàn” khi theo đuổi nghề đúc ngựa đất. Song, với tâm huyết của mình, ông vẫn cố gắng gìn giữ nét văn hóa đặc sắc ở một làng quê nay đã lên phố thị.
“Tấm lòng với nghề của ông Toản rất đáng trân trọng. Dù tuổi đã cao, lưng đã còng nhưng bất kể ngày đêm, ông vẫn thắp lửa duy trì lò nung ngựa đất để lưu giữ nghề truyền thống. Chính quyền đang xây dựng kế hoạch phát triển nghề này, không để nó mai một theo thời gian”.
Ông Lê Văn Nghĩa (Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng)
Bình luận (0)