Vợ chồng chị Trần Yến Nhi (quê Bình Định) - anh Phan Ngọc Thiết (quê Quảng Bình) vào Bình Dương làm việc đã gần 10 năm nay, anh chị đều làm công nhân (CN), đã có hai con - một trai và một gái. Cuộc sống nơi đất khách vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn do dịch bệnh.
Khó trăm bề
Sinh xong con thứ 2, chị Nhi phải nghỉ việc ở nhà chăm con, đến lúc con được hơn 1 tuổi mới xin đi làm lại. Chị Nhi làm CN thời vụ cho một công ty chuyên sản xuất máy khoan trong KCN Đại Đăng (TP Thủ Dầu Một) nên thu nhập chỉ đủ lo cho các con. Mới đây, khi công ty thông báo tất cả CN phải ăn ở tại nhà máy để chống dịch, chị buộc lòng nghỉ ở nhà vì con còn quá nhỏ. "Nếu là CN chính thức thì nghỉ việc còn được hưởng lương và chờ có thông báo mới để đi làm lại, còn tôi là CN thời vụ nên công ty cho nghỉ việc luôn" - chị Nhi cho biết.
Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (thứ 4 từ phải sang), trao tiền hỗ trợ cho công nhân ở khu vực cách ly tập trung
Trong khi mọi hy vọng của gia đình chỉ biết trông chờ vào chồng chị thì mới đây, công ty của anh Thiết cũng thông báo cho nhân viên tạm ngưng làm việc, chờ có thông báo mới. May mắn hơn chị Nhi là anh được công ty hỗ trợ 70% lương.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thùy, nhân viên văn phòng một công ty ở KCN Việt Nam - Singapore (thị xã Tân Uyên), đã nghỉ việc hơn 1 tuần nay do công ty bị phong tỏa liên quan ca mắc Covid-19. Bị cách ly tại nhà trong khi đang mang thai tháng thứ 7 khiến chị hết sức bối rối. Trong khi đó, chồng chị phải ở lại công ty làm việc theo yêu cầu của doanh nghiệp. "Một mình tôi xoay xở ở phòng trọ, không thể ra ngoài mua thức ăn, thiếu trước hụt sau đủ thứ. Nghĩ đến đứa con trong bụng nên tôi dặn lòng phải mạnh mẽ để chiến đấu với dịch bệnh" - chị Thùy bộc bạch.
Hoàn cảnh của gia đình chị Nhi, chị Thùy là tình cảnh chung hiện nay của rất nhiều CN, thậm chí có nhiều CN thuộc diện F0, F1 phải đi điều trị, cách ly tập trung còn khó khăn hơn gấp bội.
Chuyển khoản sớm nhất có thể
Đến nay, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã chi hơn 865 triệu đồng cho 1.059 trường hợp F0, F1 và F2. Tuy nhiên, việc thực hiện chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Quyết định 1921/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐ còn chậm, tỉ lệ thấp so với tổng số CN bị ảnh hưởng.
Tại buổi làm việc với LĐLĐ tỉnh Bình Dương mới đây, ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - lưu ý các cấp Công đoàn Bình Dương phải chủ động, linh hoạt trong việc chi hỗ trợ CN bị ảnh hưởng dịch bệnh, hồ sơ có thể hoàn thiện sau, chỉ cần Công cơ sở xác nhận thì bằng mọi biện pháp phải chuyển khoản nhanh cho anh chị em CN. Ông Phan Văn Anh cho rằng ngay lúc này, các cấp Công đoàn ở Bình Dương cần phát huy hơn nữa vai trò bảo vệ đoàn viên - lao động.
"Các cấp công đoàn phải bám sát đoàn viên, Công đoàn cơ sở để nắm bắt tình hình, diễn biến trong quá trình các doanh nghiệp tổ chức sản xuất để có những tham mưu, xử lý kịp thời trong thẩm quyền của tổ chức Công đoàn. Các vấn đề liên quan đến chính quyền thì phải có đề xuất, kiến nghị với tỉnh để tỉnh đưa ra giải pháp thực hiện nhằm sớm ngăn chặn lây lan dịch Covid-19" - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.
Bình Dương hiện có gần 2.000 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, 4 trường hợp tử vong. Trong đó, F0 là CN có gần 1.200 người, F1 hơn 7.400 người, F2 hơn 9.100 người. Dịch đã xuất hiện ở 49 công ty, xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ đông CN. Hiện có gần 400 đơn vị, doanh nghiệp với khoảng 42.000 CN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mặc dù doanh nghiệp ở Bình Dương đã chủ động phòng chống dịch bằng nhiều cách, trong đó có áp dụng phương án "3 tại chỗ" (ăn, ở và làm việc tại nhà máy) với hơn 90 doanh nghiệp thực hiện nhưng số ca mắc Covid-19 ở Bình Dương vẫn tăng nhanh. Một số doanh nghiệp bị động vì phải lo ăn, ở cho CN tại nhà máy khi phát hiện có ca mắc Covid-19 nên đời sống CN chưa được bảo đảm.
Chi hỗ trợ chậm vì nhiều lý do
Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho rằng nguyên nhân của việc chi hỗ trợ còn chậm là do ban chấp hành Công đoàn cơ sở và toàn bộ CN ở một số công ty bị yêu cầu cách ly tập trung, dẫn đến khó khăn trong việc lập danh sách, rà soát, xét duyệt đối tượng đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, hồ sơ để xác nhận các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ do Công đoàn cơ sở gửi lên chưa đầy đủ theo hướng dẫn, quy định. Nhiều CN đang ở các khu cách ly và khu vực phong tỏa cũng khiến việc tiếp cận để chi hỗ trợ gặp khó khăn.
Bình luận (0)