Những ngày cuối tháng 9, không khí làm việc tại Xí nghiệp (XN) May Bình Phát (Công ty Cổ phần May Nhà Bè, đặt tại huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) hết sức khẩn trương. “XN vừa phát động đợt thi đua nước rút hoàn thành 60.000 sản phẩm với doanh thu 140.000 USD. Phần thưởng dành cho các tổ vượt mức khá cao nên công nhân (CN) làm việc hăng lắm” - ông Ngô Thanh Tuấn, Giám đốc XN May Bình Phát, cho biết. Mới đi vào hoạt động được 1 năm, song XN May Bình Phát được xem là mô hình mẫu chăm sóc CN.
“Tan ca, đi bộ vài phút là tới nhà”
Dẫn tôi tham quan XN, giám đốc Tuấn tranh thủ giới thiệu nhóm CN mới quê ở Sóc Trăng. Dù mới chân ướt chân ráo, nhưng thái độ làm việc của họ hết sức nghiêm túc. Một CN cho biết: “Đang thử việc, song tụi em vẫn được trả 600.000 đồng/tháng, được ăn, ở miễn phí”. Xây nhà tập thể được xem là cách thu hút CN nhập cư của công ty trong bối cảnh khan hiếm lao động. Ba dãy nhà tập thể với 150 phòng (20 m2/phòng) với đầy đủ tiện nghi được xây dựng khá khang trang trong khuôn viên XN. Xen giữa các dãy nhà trọ là khoảng sân rộng trải nhựa; một nhà ăn rộng khoảng 500 m2 bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh được xây dựng ngay sát khu tập thể, xa hơn một chút là phòng y tế, nhà vệ sinh... “Tan tầm ra, chỉ mất vài phút là tụi em về tới nhà tập thể, tiện hơn rất nhiều so với ở trọ bên ngoài” - một nữ CN tên Giang nói. Ngoài ban quản lý, chi hội thanh niên nhà trọ cũng được thành lập để cùng quản lý, tổ chức sinh hoạt cho CN. Một cán bộ lãnh đạo Công ty Cổ phần May Nhà Bè cho biết: “XN May Bình Phát được xây dựng theo mô hình các nước công nghiệp, nghĩa là phải tạo điều kiện làm việc, ăn, ở thoải mái cho CN”. Hiện thu nhập bình quân của CN đạt 1,5 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập như vậy là khá đối với CN ngành may.
Chăm lo cả vật chất lẫn tinh thần
XN hiện có 730 lao động, trong đó số CN nhập cư chiếm hơn 90%. Để CN có nơi thư giãn, XN thành lập phòng đọc sách báo và Internet. Sách báo đủ loại, phòng Internet rộng khoảng 20 m2 được trang bị 10 máy vi tính, có cả... webcam. Anh Dương Cao Uy, cán bộ quản lý phòng Internet, cho biết: “Nội quy phòng Internet khá nghiêm ngặt để ngăn CN tiếp xúc với các trang web độc hại trên mạng. Nữ CN rất “ghiền” lên mạng để điện thoại, “chat” với bạn bè, người thân”. CN Lê Thị Thu nói: “Từ khi vào XN, tụi em mới được tiếp cận những phương tiện thông tin hiện đại như vậy. Không chỉ được nói chuyện mà còn được nhìn thấy ba mẹ ở quê nhà, thật là vui”.
Đều đặn hằng tháng, ngoài những đợt giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao, XN còn tổ chức sinh hoạt dã ngoại cho CN. Một trong những kỷ niệm khó quên mà nhiều CN vẫn nhắc đến là CĐ XN tổ chức chương trình nấu bánh tét, chơi trò chơi dân gian cho trên 150 CN không có điều kiện về quê trong dịp Tết Ất Dậu vừa qua. Thêm một thông tin vui khi vào tháng 11 tới, CĐ XN sẽ tổ chức lễ cưới cho đôi bạn trẻ Đỗ Hùng Nguyên và Lê Thị Linh, chú rể là dân Bình Định, còn cô dâu là dân miền Tây.
Giúp CN trụ lại với nghề
Hồi mới thành lập, tay nghề của CN còn yếu trong khi nguồn cán bộ kỹ thuật do công ty mẹ hỗ trợ hạn chế. Để hình thành dàn cán bộ khung, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, tháng 8 vừa qua, XN đã phối hợp với Trường Trung học Kỹ thuật may thời trang 2 mở lớp đào tạo nghề cho 40 CN giỏi. Chương trình học kéo dài 18 tháng, XN đài thọ kinh phí. Học xong, CN phải cam kết phục vụ ít nhất 3 năm tại XN. Nhiều CN cho biết được học lý thuyết bài bản và thực tập ngay tại nơi làm việc, tay nghề của họ được nâng lên khá nhiều. Với CN, học còn là cơ hội đổi đời. Sắp tới, CĐ XN còn có kế hoạch tổ chức 2 lớp bổ túc văn hóa cho CN.
Ông Tuấn Nguyên Nghị, Chủ tịch CĐ Công ty Cổ phần May Nhà Bè, nhận xét: “Mong muốn xây dựng một mô hình “làm việc - thư giãn -học nghề” cho CN nhập cư của công ty đã được thực hiện khá thành công tại XN may Bình Phát. Đây cũng chính là cách để giữ chân lao động - một trong những yếu tố giúp công ty ổn định và phát triển”.
Bình luận (0)