Vốn chỗ quen biết, khi được gợi chuyện đánh lô đề và những "thú vui" tương tự như cờ bạc, chơi game trong công nhân, anh H.N.S. , công nhân (CN) một công ty tại KCN Loteco, thận trọng dặn: "Mấy chuyện đó xung quanh đâu có thiếu nhưng mấy ai lại kể ba chuyện xấu của mình. Biết gì anh nói nấy nhưng phải giấu tên cho anh đấy nha, không là bị đuổi việc như chơi…".
Dễ chơi, khó bỏ
Hơn 14 giờ chiều, sau khi tan ca, anh S. và nhóm bạn đồng nghiệp chưa về phòng luôn mà rẽ vào một quán nước lề đường. Chưa kịp ngồi xuống, cả nhóm đã hỏi nhau chuyện hôm nay đánh "con gì". Một người trong nhóm nói: "Hôm qua, tự nhiên thấy hai thằng lạ mặt đi vô xóm trọ; đi xe biển số có 2 số cuối là 21 nên tao quất luôn. Chiều chúng bay đợi tin tốt lành của tao". Một người khác tiếp lời: "Tối qua, tao mơ ông bà già vô đây chơi, thăm tao với đứa em gái. Mấy khi mà ông bà già tao có điều kiện mà vô đây được; tao đánh luôn năm sinh của ông. Hy vọng là may…".
Cuộc trò chuyện hơn 1 giờ của 4 nam CN chỉ xoay quanh chuyện "con lô, con đề" và một vài chuyện rắc rối nhỏ gặp phải trong giờ làm việc tại công ty. Chia tay nhóm, chúng tôi theo chân anh S. đến một số tụ điểm đánh đề quanh KCN Biên Hòa 2, TP. Biên Hòa. Các tụ điểm này thường là quán nước lề đường, quán cà phê, tạp hóa… Đến một quán cà phê tại khu phố 3, phường Long Bình Tân, chủ quán cho biết: "Chiều nay không bán hàng". Thế nhưng, khi hỏi ghi đề thì chủ quán lập tức ghi ngay. Theo anh S. , có nhiều quán cà phê và quán nước mở ra để trá hình, che mắt lực lượng công an chứ thực chất chỉ có lô đề, cờ bạc và chỉ có dân chơi đề mới biết. Không chỉ ghi trực tiếp, thời gian gần đây, việc đánh lô đề trở nên tinh vi hơn rất nhiều khi chỉ cần thông qua một tin nhắn trên điện thoại là xong. Tại công ty anh S., rất nhiều nam, thậm chí cả nữ công nhân đánh đề và có thể thực hiện vào bất cứ lúc nào. "Không chỉ chơi, nhiều công nhân còn nhận luôn cả việc ghi đề ngay tại công ty. Không cần nói đâu xa, chị P.T.L., 37 tuổi, là tổ trưởng một tổ sản xuất cũng chính là người ghi đề" anh S. nói.
Theo anh L.Đ.T., bạn của anh S., hiện đang làm ở KCN Amata, ở công ty anh cũng có nhiều người "say mê" với trò may rủi này. Đầu tiên chỉ thử cho biết, chơi cho vui nhưng sau đó càng chơi càng lún sâu vào, khó lòng thoát ra. Khi thua thì muốn gỡ lại, thắng nhỏ lại muốn thắng lớn. "Người nghiện lô đề, gặp ai, mơ thấy gì, hôm nay ăn gì… cũng ngồi mơ tưởng, luận ra con số. Nhiều khi ngồi thờ thẫn suy nghĩ, hoặc tự nói một mình như ma nhập vào người…", anh T. kể.
Cùng với tình trạng lô đề thì chuyện tụ tập cờ bạc, nhậu nhẹt, mê game… cũng là chuyện thường ngày ở nhiều xóm trọ CN. Bà Nguyễn Thị Phượng, chủ một khu nhà trọ tại xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch cho biết, các xóm trọ có nhiều nam CN, trong đó một nhóm nam CN ở cùng phòng thường tụ tập nhậu nhoẹt, đánh bài, nhất là những ngày cuối tuần. "Đành rằng, cả tuần chỉ có mỗi ngày chủ nhật, nhưng lắm lúc cũng rất bực mình vì cứ rượu chè vào làm ồn ào, gây mất trật tự an ninh của xóm trọ và hàng xóm xung quanh", bà Phượng nói. Vì thế, mỗi lần cho thuê, bà Phượng cũng như nhiều chủ nhà trọ khác thường chọn cách giao kèo ngay từ đầu.
Những cái kết đau lòng…
Nhiều CN đã phải chịu cảnh nợ nần chồng chất, hạnh phúc gia đình đổ vỡ khi vướng vào tệ nạn cờ bạc, lô đề…
Chị N.T.L., CN Công ty T.K. (KCN Long Bình) mắt lưng tròng khi kể lại những ngày tháng cơ cực đã xảy ra với gia đình chị. Trước đây, anh N., chồng chị làm nghề thầu xây dựng. Ban đầu, anh cũng chăm chỉ nhận công trình và mang tiền về cho vợ đều đặn. Thế nhưng sau đó ít lâu, số tiền đưa về cho chị cứ ngót dần đi. "Gặng hỏi nhiều lần thì tôi mới biết, anh lấy tiền đi đánh bài và chơi lô đề. Chơi thua lỗ rồi đến độ, không còn tiền để trả tiền công cho nhóm thợ xây, phải đi vay mượn để trả và rồi phải bỏ nghề thầu", chị L. buồn rầu kể lại. Không dừng ở đó, "bóng ma" lô đề, cờ bạc như ăn sâu vào máu và cứ bám chặt lấy anh N. Sau khi đi làm nhân viên giao bia, nước ngọt cho các đại lý, sẵn tiền hàng khách trả, anh N. "đơn phương" mượn tiền chủ để chơi lô đề và hẹn đến tháng lương gán nợ. Đến khi không còn lương để gán nữa thì anh đi vay.
Một công nhân đang ghi đề tại một quán cà phê cũng là tụ điểm lô đề gần KCN Biên Hòa 2, TP. Biên Hòa
.Lúc ấy, cả nợ cũ lẫn nợ mới đã lên đến cả trăm triệu đồng. "Buồn bực tột độ, tôi đã nghĩ đến chuyện dắt 4 đứa con mà đi. Nhưng nghĩ lại tội cho 4 đứa nhỏ thiếu cha, rồi lại sợ đồng lương CN không thể nuôi nổi 4 đứa con. Cuối cùng, tôi đã phải bán căn nhà nhỏ đang ở để trả nợ và quyết định cho anh thêm một cơ hội làm lại từ đầu", chị L. chia sẻ. Lần bán nhà trả nợ ấy đã khiến anh N. ăn năn, tỉnh ngộ và dần thay đổi. Hơn năm qua, anh N. đã biết chắt chiu từng đồng tiền lương CN đưa cho vợ giữ để lo cho con và gia đình. Chị L. nói, chị đã cảm nhận được sự thay đổi thật sự của chồng trong cuộc sống hằng ngày và mong điều này là sự thật. "Nếu có một điều ước, tôi chỉ ước anh đã không vướng vào những tệ nạn ấy để không đến nỗi hơn 40 tuổi mà phải gây dựng cuộc sống lại từ đầu...", Chị L. bộc bạch.
Câu chuyện của vợ chồng chị L. chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện buồn mà nguồn cơn từ những thói hư tật xấu cần tránh xa trên. Cũng có những trường hợp chưa đến mức phải bán nhà như gia đình chị L., nhưng chuyện phải đi cầm chứng minh nhân dân, cầm điện thoại, xe máy không phải là hiếm. Dạo quanh các khu công nghiệp, khó thể đếm hết số tiệm cầm đồ.
Theo nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở, có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn đến việc công nhân "vướng" các tệ nạn trên. Trong đó có nguyên nhân xuất phát từ thu nhập, đời sống còn nhiều khó khăn khiến họ luôn hy vọng thử vận may đổi đời từ lô đề, cờ bạc. Bên cạnh đó, việc thiếu sân chơi văn hóa, tinh thần khiến nhiều CN chỉ biết quanh quẩn nơi xóm trọ và coi nhậu nhoẹt, game là thú vui thư giãn… Đó còn là vấn đề nhận thức về những tác hại của các tệ nạn trên; là sự thiếu ý thức trách nhiệm với bản thân và gia đình của không ít CN sa ngã…
Cần tạo thêm sân chơi cho công nhân
Thời gian qua, để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn xã hội trong CN, các cấp Công đoàn đã phối hợp với nhiều cơ quan liên quan nỗ lực tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động, chương trình vui chơi, giải trí như Tết lao động, các hội thi văn nghệ…; thực hiện nhiều mô hình thiết thực trong CN như: mô hình khu nhà trọ văn hóa, tổ an ninh trật tự…Tất cả đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động. Để tiếp tục tạo ra những kết quả tích cực trong chăm lo đời sống tinh thần công nhân lao động, đòi hỏi nhiều hơn sự nỗ lực và phối hợp của các cấp, ngành.
Bình luận (0)