Theo ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc chăm lo Tết Nguyên đán cho đoàn viên - lao động nhằm khẳng định vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong nhiệm vụ chăm lo; củng cố niềm tin, gắn bó của đoàn viên đối với tổ chức Công đoàn.
Ưu tiên công nhân mất việc, giảm giờ làm
Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết đối tượng chăm lo dịp Tết là tất cả đoàn viên - lao động. Trong đó, ưu tiên các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, bị thiên tai, bão lũ, bị mất việc, giảm giờ làm; người lao động (NLĐ) nhiều năm chưa có điều kiện về quê đón Tết.
Ông Phan Văn Anh cho biết việc chăm lo Tết sẽ được tổ chức đa dạng, linh hoạt các hình thức chăm lo, tập trung hướng về cơ sở, quan tâm chăm lo đoàn viên - lao động làm việc tại các KCX-KCN, khu kinh tế, sinh sống và làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những vùng kinh tế - xã hội khó khăn; tại các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do suy thoái kinh tế, bị cắt, giảm đơn hàng, thu hẹp quy mô sản xuất, tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản… dẫn đến nhiều đoàn viên - lao động bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm.
"Các hoạt động chăm lo phải bảo đảm thiết thực, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong đoàn viên - lao động, phù hợp với điều kiện tại địa phương, đơn vị, DN" - ông Phan Văn Anh nói.
Tổng LĐLĐ Việt Nam nhìn nhận năm 2024, dự báo tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều thách thức, sản xuất, kinh doanh của DN, việc làm, tiền lương, thu nhập của đoàn viên - lao động tiếp tục gặp khó khăn. Vì vậy, nhằm chia sẻ những thành tựu với sự đóng góp của đoàn viên - lao động, NLĐ thời gian qua cũng như giảm bớt những khó khăn, thách thức đối với họ trong thời gian tới, tổ chức Công đoàn cần tập trung làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên - lao động.
Với tinh thần đó, chủ đề Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là "Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ" với mong muốn truyền tải thông điệp về truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và những thành quả mà toàn Đảng, toàn dân ta đã đạt được trong, sau đại dịch COVID-19 và trong năm 2023; sự vững tin của đoàn viên - lao động đối với tổ chức Công đoàn.
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, tặng quà Tết cho đoàn viên khó khăn dịp Tết Nguyên đán 2023
Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết trong dịp Tết Nguyên đán 2023, đã có hơn 6,5 triệu lượt đoàn viên - lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức Công đoàn với tổng kinh phí trên 4.441 tỉ đồng. Trong đó hỗ trợ quà và tiền mặt cho gần 4,5 triệu lượt đoàn viên, NLĐ với tổng số tiền trên 4.239 tỉ đồng. Các cấp Công đoàn cũng hỗ trợ cho gần 83.176 vé tàu/xe/máy bay cho đoàn viên - lao động với số tiền là gần 147 tỉ đồng. Bố trí 1.855 chuyến xe để đưa đón gần 388.000 đoàn viên - lao động về quê đón Tết với số tiền lên đến gần 36 tỉ đồng.
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sẽ có 10 hoạt động được các cấp Công đoàn tập trung thực hiện nhằm chăm lo cho đoàn viên - lao động. Trong đó, có chương trình "Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ" tập trung tại cấp cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở. Tùy tình hình thực tế, các cấp Công đoàn lựa chọn các KCX-KCN, khu kinh tế, DN có đoàn viên - lao động, DN gặp khó khăn để tổ chức, bảo đảm thuận lợi, thu hút nhiều đoàn viên - lao động tham gia, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Cùng với đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tổ chức chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2024" tại 3 tỉnh, thành phố nhằm cung cấp các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, chất lượng với giá ưu đãi, tặng phiếu mua hàng, tặng sản phẩm thiết yếu với giá "0 đồng"; Phối hợp với các đối tác tổ chức chương trình "Hành trình Tết Công đoàn - Xuân 2024" với việc cung cấp vé máy bay, vé tàu hỏa miễn phí cho đoàn viên - lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết.
Các địa phương, ngành tùy thuộc điều kiện, khả năng, cân đối nguồn kinh phí để tổ chức chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2024" phù hợp tại cấp mình. Tổ chức phương tiện đưa, đón miễn phí hoặc hỗ trợ vé tàu, xe, máy bay… cho đoàn viên - lao động quê đón Tết và quay lại nơi làm việc, bảo đảm an toàn, thuận lợi, chu đáo.
Trường hợp có nhiều đoàn viên - lao động không về quê đón Tết thì tổ chức chương trình "Tết không xa nhà" hoặc các hình thức phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Nguồn kinh phí thực hiện từ kinh phí dự phòng và sử dụng quỹ hoạt động thường xuyên hiện có để thực hiện chăm lo cho đoàn viên - lao động có hoàn cảnh khó khăn; mức chăm lo là 500.000 đồng/người, chi bằng tiền mặt.
Giám sát chi trả lương, thưởng Tết
LĐLĐ TP HCM vừa ban hành các kế hoạch chăm lo Tết Giáp Thìn năm 2024. Với phương châm "Tết đến với mọi đoàn viên, NLĐ", Công đoàn TP HCM cho biết sẽ tổ chức nhiều chương trình lớn hướng tới từng nhóm đối tượng cụ thể nhằm đem lại hiệu quả và có sức lan tỏa như chương trình "Tết sum vầy - Xuân tri ân", "Tấm vé nghĩa tình", "Gia đình công nhân (CN) lao động vui Tết cùng TP"; ngày hội CN, phiên chợ nghĩa tình; họp mặt, tặng quà Tết cho 3.000 đoàn viên khó khăn các nghiệp đoàn... Trong đó, chương trình "Tết sum vầy - Xuân tri ân" sẽ chăm lo 13.000 hộ gia đình đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, ưu tiên đoàn viên bị mất việc, giảm giờ làm do DN giải thể, thu hẹp sản xuất, giảm đơn hàng hoặc nữ CN đang mang thai, nuôi con nhỏ... Mức chăm lo cho mỗi hộ gia đình đoàn viên là 1 triệu đồng. Song song đó, chương trình "Ngày hội CN - Phiên chợ nghĩa tình" với chủ đề "Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt" nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết cho đoàn viên - lao động sẽ được tổ chức với cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, qua đó trao tặng 10.000 phiếu mua hàng cho NLĐ (500.000 đồng/phiếu).
LĐLĐ TP cũng yêu cầu các cấp Công đoàn phải giám sát tình hình các DN chi trả lương, thưởng Tết cho đoàn viên - lao động; kịp thời tham gia giải quyết tranh chấp phát sinh nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
T.Nga
Bình luận (0)