Một giáo viên (GV) dạy tiếng Anh tăng cường ở một trường tiểu học thắc mắc: Theo một văn bản của Sở GD-ĐT TPHCM, giáo viên dạy tiếng Anh, cán bộ, công nhân viên, giáo viên thuê ngoài có liên quan đến dạy tiếng Anh tăng cường được trả thù lao bằng 80% tiền thu tiếng Anh tăng cường của HS. Nghĩa là, nếu mỗi HS đóng thêm tiền tiếng Anh tăng cường 50.000 đồng/tháng theo quy định chung thì GV và cán bộ công nhân viên được hưởng 40.000 đồng/một HS/mỗi tháng.
Tuy nhiên, việc trả thù lao cho GV tăng cường tiếng Anh không đồng đều nhau ở các trường tiểu học đã làm nhiều GV không hài lòng.
Nhiều GV không được tiếp cận văn bản số 90 (11/1/2008) có ghi rõ quyền lợi cho họ
GV này cho biết, mỗi tuần cô dạy 2 lớp tiếng Anh tăng cường (16 tiết), như vậy, cô sẽ có thu nhập ngoài lương là 64 tiết x 40.000 đồng = 2.560.000 đồng/tháng.
Một GV ở trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q1) nói, GV dạy tiếng Anh tăng cường của trường được trả thù lao 50.000 đồng/tiết. Một tuần cô dạy 20 tiết tiếng Anh tăng cường, như vậy, cô sẽ có thu nhập thêm ngoài lương là 4 triệu đồng. Được biết, đây là trường tiểu học trả thù lao cho GV tiếng Anh tăng cường cao nhất thành phố.
Bà Lê Thị Ngọc Điệp, hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) cho biết, bà đã thực hiện đúng văn bản số 90 của Sở GD-ĐT TP, 80% trong tổng số thu từ tiền tiếng Anh tăng cường (50.000 đồng/HS/tháng) chi cho con người (GV, cán bộ công nhân viên). Thu nhập ngoài lương này giúp cho GV tiếng Anh toàn tâm toàn ý với công việc giảng dạy.
Trong khi đó, một trường rất xa trung tâm thành phố là tiểu học An Phú Tây (huyện Bình Chánh) cũng đã chi trả cho GV tiếng Anh tăng cường 35.000 đồng/tiết.
Một số GV thắc mắc, họ đã không được hiệu trưởng thông báo văn bản số 90 (ngày 11/1/2008) về học phí các lớp tăng cường ngoại ngữ. Trong văn bản này nêu rõ, mức thu tiền tiếng Anh tăng cường ở các trường phổ thông tại TPHCM là 40.000 đến 50.000 đồng/học sinh/tháng. 80% mức thu này chi cho giáo viên, cán bộ, công nhân viên, còn lại 20% chi cho các hoạt động giảng dạy, học tập, chi khác (nếu có).
Phải chăng, khi GV không biết đến văn bản này thì sẽ không có cơ sở để thắc mắc?
Bình luận (0)