Tại hội thảo góp ý Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề do Hội Dạy nghề TP HCM tổ chức mới đây, nhiều đại biểu tiếp tục lo ngại Luật Dạy nghề có nguy cơ thiếu thực tế và chưa có tính khả thi. “Dù đã sửa đổi tích cực nhưng Luật Dạy nghề vẫn có những chi tiết không phù hợp thực tế. Do đó, nhà trường, doanh nghiệp (DN), người học nghề và các ban - ngành liên quan khó áp dụng” - ông Nguyễn Thành Hiệp - nguyên Trưởng Phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM - bày tỏ băn khoăn.
Cụ thể nhưng chưa toàn diện
Ông Hiệp dẫn chứng điều 10 về “Mục tiêu dạy nghề trình độ sơ cấp” chỉ rõ người học nghề của hệ đào tạo này phải “có kiến thức và kỹ năng để thực hiện các công việc đơn giản của nghề…” là không hợp lý. Theo ông Hiệp, kiến thức đào tạo cho trình độ này không hề đơn giản nên người tốt nghiệp hệ sơ cấp nghề phải giải quyết được nhiều tình huống nghề nghiệp chứ không chỉ là những công việc đơn giản của nghề. Ông Hiệp khẳng định: “Nhiều điều khoản trong Luật Dạy nghề được chăm chút câu chữ nhưng chưa toàn diện”.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin Thị trường lao động TP, dự thảo luật có phần chi tiết hơn nhưng vẫn lủng củng, bộc lộ nhiều kẽ hở. Dự thảo nhắc nhiều đến chuyên môn nhưng không đề cập ngoại ngữ, kỹ năng mềm cần thiết cho người học nghề. “Để tạo lòng tin cho phụ huynh, học sinh (HS) khi phân luồng, tuyển sinh, nên gọi chung các cơ sở đào tạo nghề là trường nghề để tránh phân biệt đối xử về bằng cấp, loại hình đào tạo. Luật nên quy định cụ thể tên gọi của DN đăng ký đào tạo nghề” - ông Tuấn đề xuất.
Trước đó, tại hội thảo góp ý Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức, ông Nguyễn Hồng Hà - Phó Ban Văn hóa xã hội, HĐND TP - cũng nhận xét: Trong thực tế, thợ lành nghề vẫn có nhu cầu học tập, nghiên cứu thông qua hình thức liên thông. Tuy nhiên, Luật Dạy nghề chưa quy định chi tiết các điều khoản liên quan đến vấn đề này.
Bất cập trong quản lý
Bên cạnh các vấn đề liên quan đến công tác tuyển sinh, các đại biểu cũng bày tỏ nhiều khúc mắc về công tác quản lý, đội ngũ giảng dạy. Ông Cao Tấn Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề quận Bình Tân, TP HCM - cho biết dự thảo luật chưa quy định rõ thời gian và cách thức đánh giá trình độ giáo viên nghề. “Hiện trung tâm phải tận dụng mối quan hệ với lãnh đạo DN để gửi giáo viên vào thực tế. Nhưng đa số DN đều không cho phép giáo viên ghi chép hoặc chụp hình. Trong hoàn cảnh này, giáo viên có giỏi cách mấy cũng không thể nâng cao trình độ” - ông Đức bức xúc.
Về chế độ phúc lợi cho giáo viên nghề, ông Nguyễn Minh Thành, Chủ tịch Hội Dạy nghề TP, cho rằng việc cơ sở dạy nghề công lập tự định ra mức thu học phí (quy định tại điều 54c) khó khả thi vì loại hình này vẫn theo cơ chế bao cấp. Lương bổng của giáo viên cũng không thể dựa vào nguồn thu học phí mà cần nhà nước có mức chi nhất định.
Ông Nguyễn Thành Hiệp cho rằng dự thảo quy định nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống ở trường nghề tư thục là vô lý. Vì loại hình này không được hỗ trợ kinh phí như các trường công lập nên nhà nước chỉ cần tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để phát triển chứ không nên kiểm soát bằng vốn.
Cần sửa đổi, bổ sung cho sát thực tế
Ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, nhận định: “Đến nay, Luật Dạy nghề đã bổ sung nhiều điều khoản tích cực, có lợi cho người dạy, người học (miễn học phí cho người học nghề, chính sách liên thông…). Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn cần sửa đổi, bổ sung cho sát thực tế, như: không cho trường đại học dạy nghề, ưu tiên học viên trường nghề học liên thông CĐ, ĐH…”. Ông Lập cũng cho biết tháng 9-2014, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP tiếp tục tổ chức góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Dạy nghề để trình Quốc hội.
Bình luận (0)