Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH đưa ra, nếu điều chỉnh từ ngày 1-7-2021, mức tăng lương hưu và trợ cấp xã hội là 10%; nếu điều chỉnh từ ngày 1-1-2022, mức tăng là 15%. Như vậy, đề xuất trong dự thảo đưa ra 2 phương án tăng theo phần trăm đối với tất cả mức lương hưu, không phân biệt cao hay thấp.
Mong muốn của đại bộ phận người lao động là khi về hưu có một mức lương ổn định để bảo đảm cuộc sống
Xung quanh 2 phương án nói trên, đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến khác nhau. Theo ông Lê Văn Sáng - một giáo viên về hưu tại quận 3, TP HCM - mục đích tăng lương là để bù trượt giá. Do vậy, nếu tăng theo tỉ lệ % là không đáp ứng được mục tiêu đó. Lương hưu cao hay thấp tùy thuộc vị trí công việc, ngành nghề của người lao động (NLĐ) trước khi nghỉ hưu. Do vậy, nếu tăng lương hưu theo tỉ lệ % là chưa hợp lý bởi người có mức lương hưu thấp sẽ chịu nhiều thiệt thòi, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động rất lớn đến mọi mặt đời sống. Từ thực tế này, ông Sáng đề xuất cần tính toán tăng lương hưu theo số tiền tuyệt đối, ví dụ từ 500.000 đến 1 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến ủng hộ đề xuất tăng theo tỉ lệ % như phương án do Bộ LĐ-TB-XH đưa ra. Lý giải vì sao ủng hộ đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng lương hưu là do NLĐ đóng góp vào BHXH; mức độ đóng góp của từng đối tượng khác nhau nên chế độ cũng khác nhau. Do đó, khi tính toán tăng lương hưu cũng cần tăng theo tỉ lệ để bảo đảm công bằng.
Mong muốn của đại bộ phận người về hưu là có một mức lương ổn định để bảo đảm cuộc sống và không phụ thuộc vào con cái. Nhìn từ góc độ này, chúng ta có thể hiểu và thông cảm với đòi hỏi chính đáng của NLĐ. Việc tăng lương hưu, trợ cấp BHXH cho bất cứ nhóm đối tượng nào trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp là điều hết sức có ý nghĩa. Nguyên tắc của BHXH là mức hưởng được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có sự chia sẻ giữa những người tham gia BHXH. Luật BHXH cũng nêu rõ: Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và Quỹ BHXH. Do đó, theo các chuyên gia lao động - tiền lương, việc điều chỉnh tăng lương hưu, ngoài đáp ứng mong mỏi của người nghỉ hưu thì còn phải bảo đảm các nguyên tắc của Quỹ BHXH, đặc biệt là khả năng cân đối quỹ.
"Bộ LĐ-TB-XH và các bộ, ngành liên quan cần xem xét thấu đáo để có đề xuất điều chỉnh phù hợp nhằm bảo đảm ý nghĩa an sinh xã hội của chính sách lương hưu. Bởi lẽ, những người chỉ có nguồn thu nhập duy nhất từ lương hưu rất cần được bảo đảm có một mức lương đủ sống" - ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, bày tỏ.
Bình luận (0)