Theo BHXH Việt Nam, đến đầu năm 2021, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) còn khá phổ biến. Hiện tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN khoảng 26.592 tỉ đồng. Việc xử lý đối với đơn vị, doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn khó khăn, vướng mắc. Số người đề nghị hưởng BHXH một lần vẫn có chiều hướng gia tăng.
Đốc thu, giảm nợ
Trước tình trạng nợ đọng BHXH tăng cao, nhiều đơn vị cố tình chây ì, BHXH Việt Nam khẳng định sẽ tăng cường thanh tra đột xuất các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm, phối hợp với cơ quan điều tra, khởi tố DN vi phạm.
BHXH TP HCM cho biết năm 2021 sẽ thực hiện thanh tra chuyên ngành 66 DN sử dụng đông lao động, nợ BHXH từ 6 tháng trở lên. Bên cạnh đó, BHXH TP cũng sẽ thanh tra đột xuất các DN nợ BHXH trên 3 tháng với số tiền lớn. Hiện toàn TP HCM có 664 DN nợ BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền hơn 1.000 tỉ đồng của gần 30.000 lao động. Trong đó, nhiều DN sử dụng 500-1.500 lao động, nợ BHXH từ 12-27 tỉ đồng trong nhiều tháng liền, gây thiệt thòi quyền lợi cho người lao động (NLĐ).
Thời gian qua, BHXH TP đã chuyển hồ sơ của 79 DN chây ì khắc phục nợ sau khi bị thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính sang cơ quan công an đề nghị xử lý theo quy định của Bộ Luật Hình sự. Thời gian gần đây, BHXH TP Hà Nội cũng liên tục công khai danh sách 500 đơn vị sử dụng lao động nợ đọng BHXH lớn từ 6-24 tháng với tổng số tiền hơn 100 tỉ đồng. Đại diện BHXH TP Hà Nội cho biết do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều đơn vị, DN rất khó duy trì sản xuất - kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến việc tìm nguồn trích nộp BHXH, BHYT.
Nhiều ý kiến cho rằng dịch Covid-19 đã khiến tình hình sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải, xuất khẩu…, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm của NLĐ. Đồng thời, với việc phải hạn chế trong thanh tra, kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại đơn vị, DN dẫn đến số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN giảm. Trước tình trạng nợ đọng BHXH tăng cao, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, đề nghị BHXH các địa phương đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trong tháng. Đồng thời, công khai DN nợ đọng trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Công nhân Công ty TNHH Asia Garment (quận 12, TP HCM) ngừng việc khiếu nại quyền lợi BHXH. Ảnh: CAO HƯỜNG
Quan tâm lao động phi chính thức
Theo BHXH Việt Nam, đến tháng 3-2021, số người tham gia BHXH là 16,03 triệu (chiếm hơn 32% lực lượng lao động trong độ tuổi). Trong đó, 28 BHXH tỉnh, TP có số đối tượng BHXH giảm so năm 2020, một số tỉnh, TP giảm nhiều đối tượng BHXH như: Bình Dương (giảm 17.715 người), Đồng Nai (giảm 10.859 người), Hải Dương (giảm 10.630 người), TP HCM (giảm 10.171 người), Bắc Ninh (giảm 9.445 người). Cùng với đó, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là 1,051 triệu người, giảm 85.400 người so với tháng 1-2021, giảm 77.200 người so cuối năm 2020. Đáng nói là có tới 53 BHXH tỉnh, TP có số đối tượng giảm so với năm 2020. Một số BHXH tỉnh, TP giảm nhiều đối tượng như: TP HCM, Kiên Giang, An Giang.
Ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý thu - sổ thẻ (BHXH Việt Nam), cho biết một số địa phương có số đối tượng tham gia BHXH giảm so cuối năm 2020, chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phía Nam. Tình trạng nêu trên cũng do NLĐ có thói quen "nghỉ Tết" kéo dài. Năm nay, sự thiếu hụt lao động này phát sinh ở Bắc Ninh và Hải Dương do diễn tiến mới của dịch Covid-19 khiến nhiều NLĐ chưa kịp quay lại nơi làm việc. Tuy nhiên, theo phân tích của ông Hào, mặc dù chỉ số phát triển đối tượng chưa đạt kỳ vọng của BHXH Việt Nam nhưng vẫn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Hiện DN các tỉnh, thành phía Nam đang có nhu cầu tuyển dụng cao, dự báo số lao động sẽ tăng trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, người dân cả nước, nhất là đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, lao động khu vực phi chính thức càng nhận thức hơn về vai trò của chính sách BHXH, BHYT đối với cuộc sống của mình, do đó họ cũng là nhóm đối tượng cần đặc biệt quan tâm hơn trong việc phát triển BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện...
"Đơn cử, trong bối cảnh dịch Covid-19, chính sách BHTN đã giúp hàng trăm ngàn NLĐ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho NLĐ và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước… Năm 2020, ngành đã giải quyết chế độ BHTN cho hơn 1 triệu người với số tiền chi trả hơn 16.000 tỉ đồng" - ông Mạnh dẫn chứng.
Các chuyên gia cho rằng số người tham gia BHXH tự nguyện mặc dù có sự gia tăng đột biến những năm qua nhưng vẫn còn thấp so với tiềm năng. Trong năm 2021, ngành BHXH đặt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện để thu hút hơn 1,7 triệu người tham gia, trong đó có việc đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để BHXH thực sự trở thành trụ cột của hệ thống an sinh xã hội.
Bảo đảm quyền lợi người tham gia
Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết năm 2021 có nhiều thách thức với ngành BHXH Việt Nam khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Nhiệm vụ của ngành BHXH bên cạnh bảo đảm quyền lợi cho người dân tham gia BHXH, BHYT theo đúng quy định, cùng với đó còn phải theo dõi sát tình hình thực tế để có đề xuất tạo điều kiện hết mức hỗ trợ người dân trong việc thụ hưởng quyền lợi, đặc biệt là khám chữa bệnh BHYT.
Bình luận (0)