Hàng loạt khó khăn, vướng mắc trong việc thu nợ BHXH và xử lý các khoản nợ của đơn vị, doanh nghiệp (DN) giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, mất tích… vừa được các địa phương phản ánh tới lãnh đạo BHXH Việt Nam để có giải pháp tháo gỡ trong những tháng cuối năm.
"Bó tay" với doanh nghiệp giải thể, phá sản
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH TP Hà Nội, thời gian qua, dù việc phát triển người tham gia đạt kết quả tốt nhưng nợ BHXH có dấu hiệu gia tăng. Ông Hòa cho biết BHXH TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp thu hồi nợ, như: thanh tra đột xuất đối với đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên; gửi thông báo đôn đốc 2 lần/tháng...
Bảy tháng đầu năm 2022, BHXH TP Hà Nội đã thanh tra 3.819 đơn vị, thu hồi 303,03 tỉ đồng nợ (đạt 84,8%). Tuy nhiên, tổng số tiền chậm đóng BHXH trên địa bàn đến nay là 5.163,6 tỉ đồng (chiếm 9,14% số phải thu), trong đó nợ phải tính lãi là 1.855,3 tỉ đồng (chiếm 3,28%)...
Tại Hải Phòng, lãnh đạo BHXH TP cho biết tổng số tiền chậm đóng là 817,9 tỉ đồng (chiếm 6,6% kế hoạch giao), trong đó nợ khó thu hồi rất lớn, lên tới gần 800 tỉ đồng. Tại Quảng Bình, dù cơ quan BHXH tỉnh đã có nhiều biện pháp như thông tin những đơn vị nợ BHXH trên phương tiện truyền thông, mời các đơn vị đến bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, cam kết trả nợ, thanh tra đột xuất, củng cố hồ sơ chuyển cơ quan công an đề nghị điều tra, song đến hết tháng 7-2022, toàn tỉnh vẫn còn 160 tỉ đồng tiền nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang, nguyên nhân khiến tình trạng nợ BHXH tăng cao tại địa phương là do trong những tháng đầu năm 2022, một số DN trên địa bàn gặp khó khăn vì không có thêm đơn hàng hoặc giải thể, phá sản. Đến hết tháng 7-2022, tổng số tiền thu BHXH, BHYT của tỉnh là 4.242 tỉ đồng, (đạt 53,56% kế hoạch giao). Trong đó, tổng số tiền chậm đóng là 243,6 tỉ đồng, chiếm 3,07% số phải thu. Toàn tỉnh Bắc Giang có 154 đơn vị dừng hoạt động sản xuất - kinh doanh, giải thể với số tiền nợ bảo hiểm hơn 54,1 tỉ đồng (chiếm 0,68% tổng số phải thu), không có khả năng thu hồi.
Lãnh đạo BHXH nhiều tỉnh, thành phố cũng nêu thực trạng chung: Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các DN gặp nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh nên việc chuyển nộp tiền đóng bảo hiểm không kịp thời, dẫn đến nợ đọng. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều DN cố tình trốn đóng, thường xuyên nợ đọng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm dẫn đến nợ kéo dài, số tiền nợ lớn.
Trước tình hình trên, đại diện BHXH nhiều địa phương đề nghị BHXH Việt Nam báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét việc xử lý các khoản nợ BHXH, BHYT của các đơn vị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, mất tích…, không còn khả năng thanh toán nợ.
Thanh tra đột xuất doanh nghiệp chậm đóng
Tiếp nhận phản ánh từ BHXH các địa phương, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng những khó khăn, thách thức mà các tỉnh, thành đang đối mặt là do ảnh hưởng dịch Covid-19, kinh tế giảm sút khiến việc phát triển người tham gia BHXH, BHXH gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, một số quy định chưa rõ ràng khiến tình trạng nợ đọng BHXH kéo dài, khó xử lý tại nhiều địa phương.
Ông Mạnh đề nghị ngành bảo hiểm cần linh hoạt thực hiện các phương thức thu nợ; phối hợp với cơ quan công an ngay từ sớm khi có dấu hiệu trục lợi, trốn đóng BHXH, BHYT; xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp nợ bảo hiểm, hạn chế tối đa phát sinh nợ kéo dài. Ngoài ra, đề xuất cơ quan có thẩm quyền thực hiện các giải pháp cưỡng chế, thu hồi nợ đối với đơn vị trốn đóng BHXH, BHYT…
Từ hiệu quả của công tác thanh tra, ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra. Bởi lẽ, tất cả đơn vị sau khi được thanh tra, ban hành quyết định xử phạt hành chính thì tỉ lệ thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN đạt gần 80%. Do đó, việc này cần được đặc biệt quan tâm...
Ông Hào cũng lưu ý BHXH các địa phương tập trung khai thác triệt để dữ liệu từ cơ quan thuế; tăng cường rà soát, kiểm tra, đối chiếu dữ liệu, xác định số DN đang hoạt động, tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể, đã giải thể, chờ phá sản, đã phá sản… Từ đó, tiến hành thanh tra chuyên ngành hoặc kiến nghị cơ quan thẩm quyền thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; xử lý vi phạm, yêu cầu khắc phục hậu quả.
Ông Mạnh yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố hằng tháng báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương về tình hình nợ đọng bảo hiểm của các đơn vị sử dụng lao động; kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý. Tập trung đẩy mạnh thanh tra đột xuất đối với những đơn vị nợ thời gian dài, nhất là các đơn vị có số nợ lớn; kiên quyết phối hợp xử lý, chấn chỉnh cá nhân, đơn vị vi phạm chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.
Bên cạnh đó, theo ông Mạnh, cần triển khai kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đột xuất với đơn vị chậm đóng bảo hiểm từ 3 tháng trở lên theo quy định. Đối với các đơn vị đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa thực hiện hoặc cố tình chây ì không thực hiện thì ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Thống nhất quy trình, thủ tục khởi tố hình sự
Tại TP HCM, đến nay, cơ quan BHXH thành phố đã chuyển hồ sơ đề nghị khởi tố đến cơ quan điều tra công an quận, huyện đối với 84 đơn vị (81 đơn vị kiến nghị khởi tố theo điều 216 Bộ Luật Hình sự, 3 đơn vị kiến nghị xử lý theo điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính) với tổng số tiền nợ quỹ là 158 tỉ đồng. Song, chưa đơn vị nào bị khởi tố.
Báo cáo tại buổi làm việc của đoàn giám sát thuộc Ủy ban Xã hội của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật BHXH mới đây, đại diện UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan (như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, VKSND Tối cao) hướng dẫn chung và thống nhất về quy trình, thủ tục việc khởi tố hình sự đối với đơn vị nợ theo điều 216 Bộ Luật Hình sự. Điều luật này quy định tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
M.Chi
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!