Sáng 2-4, hơn 60 người lao động (NLĐ) Chi nhánh Công ty TNHH Vận tải Hỗn hợp Việt Nhật số 1 (Công ty Việt Nhật) tại TP HCM tập trung tại văn phòng làm việc của chi nhánh tại quận 2, TP HCM để bày tỏ bức xúc vì đã đến hạn giải thể như thông báo của công ty nhưng NLĐ chưa được giải quyết quyền lợi.
Nhiều điểm không rõ ràng
Công ty Việt Nhật là liên doanh giữa Tập đoàn Logitem Nhật Bản và Công ty CP Đầu tư Vinamotor kinh doanh vận tải hành khách đường bộ tại Việt Nam. Để chuẩn bị cho việc hợp đồng liên doanh sẽ hết hạn vào năm 2019, công ty và đối tác thống nhất việc Tập đoàn Logitem Nhật Bản sẽ tiếp quản kinh doanh toàn bộ mảng vận tải hành khách. Theo đó, công ty mới sẽ tiếp quản mảng kinh doanh là Công ty TNHH DV Logitem Việt Nam miền Nam (và một công ty tương tự ở miền Bắc). Các hoạt động kinh doanh vẫn tiến hành bình thường. Kế hoạch di dời sang công ty mới sẽ được công ty xem xét, nghiên cứu trong thời gian tiếp theo.
Người lao động tập trung sáng 2-4 để phản ứng việc công ty giải thể chi nhánh không rõ ràng
Đến tháng 2-2018, công ty ra thông báo sẽ giải thể vào 0 giờ ngày 1-4. Theo nhân viên Trần Hoàng Cao, công ty cho biết thời điểm này công ty mới đưa cho NLĐ đơn xin nghỉ việc (từ 28-2) với lý do chuyển sang làm việc cho công ty mới (Logitem Việt Nam miền Nam) cùng thỏa thuận chấm dứt hợp đồng cũ và bản hợp đồng với công ty mới. "Nhiều NLĐ không đồng tình với phương án này vì hợp đồng mới có mức lương thấp hơn và chỉ là hợp đồng thời hạn 1 năm. Dù phụ cấp theo hợp đồng mới có tăng hơn nhưng lại không nằm trong khoản được đóng BHXH cũng như có thể thay đổi lên xuống tùy tình hình hoạt động. Bên cạnh đó, rất nhiều NLĐ đã gắn bó với công ty hàng chục năm, ký hợp đồng không xác định thời hạn, nếu chuyển sang hợp đồng thời hạn 1 năm thì có nguy cơ thất nghiệp khi hợp đồng hết hạn" - ông Cao phân tích.
Ngoài ra, theo nhiều NLĐ, họ chưa biết nội quy lao động ở công ty mới thế nào, hợp đồng ghi chung chung, không mô tả rõ ràng công việc mới nên NLĐ không dám ký. Vì vậy NLĐ đề nghị công ty làm đúng quy trình giải thể doanh nghiệp, ra quyết định chấm dứt hợp đồng và thanh toán các khoản trợ cấp cho NLĐ theo quy định. Việc có tiếp tục ký hợp đồng với công ty mới hay không sẽ do từng cá nhân quyết định.
Né tránh giải quyết quyền lợi NLĐ
Đáng chú ý, theo người NLĐ, công ty thông báo đã ban hành Quyết định số 80/2018/QĐ-LV1 ngày 9-2-2018 về việc chấm dứt hoạt động và giải thể doanh nghiệp từ ngày 1-4-2018 nhưng NLĐ không hề thấy quyết định này. Ngày 6-3, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cũng có văn bản trả lời NLĐ rằng đến thời điểm đó, Chi nhánh Công ty Việt Nhật vẫn chưa đăng ký giải thể.
Sau phản ánh của tập thể NLĐ, đến trưa 2-4, công ty đồng ý phát quyết định chấm dứt hợp đồng ký ngày 31-3. Theo đó, công ty chấm dứt hợp đồng với NLĐ vì "lý do giải thể". Việc giải quyết BHXH dự kiến hoàn tất trong 15 ngày. Một số quyền lợi khác như lương tháng 13, tiền đồng phục, tiền vé cầu đường, chi phí sửa chữa xe NLĐ đã tạm ứng, phép năm…, công ty vẫn chưa trả lời cụ thể cho NLĐ.
Ngoài ra, NLĐ cho biết trước đó, ngày 18-3, công ty dự kiến họp với NLĐ và Công đoàn về các vấn đề liên quan đến quyền lợi của NLĐ khi giải thể, đại diện NLĐ mời luật sư tham gia buổi họp để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, chi nhánh công ty từ chối làm việc với luật sư khiến cuộc họp bất thành.
Mọi việc vẫn như cũ?
Đến ngày 2-4, vấn đề vẫn chưa được giải quyết khiến NLĐ bức xúc. "Nếu theo thông báo của công ty thì từ 0 giờ ngày 1-4, chi nhánh sẽ chấm dứt hoạt động, đồng thời sẽ chấm dứt hợp đồng với NLĐ, nghĩa là đến ngày 2-4, chi nhánh không còn hoạt động và NLĐ không còn việc để làm vì hợp đồng mới chưa ký. Nhưng thực tế, mọi hoạt động của công ty vẫn tiếp diễn. Người đại diện doanh nghiệp mới trên bản hợp đồng họ đưa chúng tôi ký vẫn chính là người cũ" - một NLĐ cho biết.
Bình luận (0)