Ông sếp người nước ngoài của tôi đã đến Việt Nam nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên ông trực tiếp làm việc với đối tác là Công ty T.Đ. Ông bảo tôi chuẩn bị mọi thứ cần thiết rồi bảo tôi phải tìm hiểu kỹ quãng đường, thời gian đi từ khách sạn ông ở đến địa điểm làm việc; dự trù cả khả năng xảy ra kẹt xe, tắc đường. Với sự cẩn thận của ông, chúng tôi còn phải tới sớm khoảng 10 phút. Soát xét giấy tờ, vuốt lại nếp áo, xong đâu đó ông mới đi vào.
Cô nhân viên tiếp tân hỏi chúng tôi cần gặp ai, tôi trình bày là có cuộc hẹn với tổng giám đốc công ty lúc 14 giờ 30 phút. Cô bảo chúng tôi ngồi chờ để cô gọi điện báo cho văn phòng tổng giám đốc.
Chúng tôi chờ 5 phút, 10 phút rồi 20 phút vẫn chẳng thấy ai ra tiếp đón mình. Tôi sốt ruột hỏi cô nhân viên tiếp tân thì cô bảo đã báo cáo và đang chờ phản hồi. Cô còn nói thêm trưa nay tổng giám đốc tiếp khách bên ngoài, gần 14 giờ mới về tới văn phòng công ty.
Đồng hồ trên tay tôi chỉ 15 giờ. Tôi ái ngại nhìn sếp. Ông cũng sốt ruột nhìn tôi nhưng không hỏi gì. Mãi đến 15 giờ 15 phút mới có điện thoại từ văn phòng tổng giám đốc gọi xuống mời khách lên. Tôi liếc nhìn sếp, thấy ông khẽ cau mày.
Vị tổng giám đốc tiếp chúng tôi bằng một lời xin lỗi: "Tôi có khách đột xuất... Xin lỗi đã để quý vị chờ đợi". Tôi nhìn gương mặt đỏ gay của ông ta, thấy khó xử vô cùng. Hay là dời lịch làm việc vào một ngày khác? Tôi hỏi ý sếp của tôi nhưng ông lắc đầu ra hiệu vẫn tiếp tục làm việc nhưng thay vì thời gian gặp gỡ là 1 tiếng đồng hồ thì rút ngắn còn 15 phút vì sau đó ông còn một cuộc hẹn cá nhân khác.
Bấy nhiêu thời gian chỉ đủ để chào hỏi xã giao và nói dăm câu. Chúng tôi ra về trong sự ngỡ ngàng của chủ nhà.
Lên xe, sếp im lặng, tôi cũng không dám hỏi thêm gì. Mãi đến khi về tới khách sạn, ông mới nói: "Tôi nghĩ việc hợp tác với T.Đ xem như đã thất bại. Họ hoàn toàn không chuyên nghiệp như những gì công ty tư vấn đã giới thiệu với chúng ta". Tôi e dè: "Có thể họ thật sự gặp lý do bất khả kháng. Tôi ở Việt Nam lâu nên hiểu rõ có những người khách bất ngờ từ trên xuống mà doanh nghiệp không thể không tiếp...".
Nhưng sếp tôi không đồng tình. Ông nói trong làm ăn mà không có sự tôn trọng nhau thì rất khó. Hơn nữa ông cho rằng có những sự việc mà chỉ cần nhìn qua một biểu hiện nhỏ thì có thể đánh giá được bản chất của vấn đề. Ăn nhậu giữa giờ làm việc theo ông là "không chuyên nghiệp". Tuy không nói ra nhưng tôi tin sự từng trãi, kinh nghiệm và đánh giá của ông về một người mà ông mới gặp lần đầu nhưng đã để lại ấn tượng không tốt.
Sau đó phía T.Đ có liên hệ lại, đề nghị thu xếp cuộc gặp vào dịp khác. Thế nhưng sếp tôi từ chối. Ông bảo không muốn mất thời gian vào một việc mà ông biết rõ kết quả chẳng đi đến đâu. "Cô nên nói rõ với công ty tư vấn là họ nên làm việc với lương tâm, tinh thần trách nhiệm và danh dự quốc gia chứ đừng chỉ chăm chăm móc túi các nhà đầu tư nước ngoài. Có thể có người bị lừa nhưng chỉ một lần thôi chứ không ai mê muội đến nỗi bị lừa suốt đời. Sự dối trá ấy sẽ gây ra thiệt hại rất lớn cho đất nước của cô nếu các nhà đầu tư bỏ đi"- ông nói hết sức chân tình.
Tôi thấy mắc cỡ với sếp vì đã không tìm hiểu kỹ các thông tin mà công ty tư vấn gởi đến. Họ nói toàn những điều hoa mỹ về Công ty T. Đ, nơi có ông tổng giám đốc mặt đỏ gay vì nhậu trong giờ làm việc và thất hứa ngay từ lần đầu tiên!
Song điều tôi tiếc nhất là sau đó khoản đầu tư 65 triệu USD dự kiến đổ vào T.Đ đã bị chuyển sang cho một doanh nghiệp ở Thái Lan. Biết bao giờ những doanh nghiệp lớn của Việt Nam như T.Đ mới có được cái gọi là "sự chuyên nghiệp" trong làm ăn như cách mà ông sếp nước ngoài của tôi đã nói?
Bình luận (0)