“Tôi muốn tìm công việc lương thấp một chút cũng được. Đối với tôi, vấn đề quan trọng hiện nay là có việc làm, có thu nhập để tự tin hơn trong cuộc sống”. Chị N.T.L.A cho biết như vậy khi đến Trung tâm Giới thiệu Việc làm TP HCM tìm việc.
Mất tự tin khi mất việc
Trước đây, chị L.A có công việc ổn định tại một doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, khi chồng chị L.A được bổ nhiệm làm giám đốc ở đơn vị này, anh đề nghị chị nghỉ việc ở nhà chăm sóc con cái, gia đình. Sau một thời gian ở nhà làm nội tướng, L.A cảm thấy mình “chẳng còn chút giá trị nào với chồng con, với xã hội” nên quyết định trở lại công việc chuyên môn mà chị đã gắn bó gần 10 năm là chuyên viên kinh doanh.
Sau khi được một công ty ở quận 2, TP HCM nhận vào làm việc, tuy đi lại hơi xa, tiền lương thử việc chỉ gần 4 triệu đồng/tháng nhưng chị L.A rất vui. Gặp chúng tôi mới đây, chị khoe công ty đã ký hợp đồng chính thức, tiền lương và các khoản phụ cấp khác được gần 6 triệu đồng/tháng. Thu nhập hiện nay chỉ bằng một nửa ở công ty nhà nước trước đây nhưng chị L.A nghĩ với sự cố gắng của mình, chắc chắn sẽ thành công.
“Trong suốt 1 năm ở nhà, tôi luôn trăn trở: Tại sao mình lại bỏ phí những kiến thức, kinh nghiệm đã được đào tạo ở nhà trường và trong thời gian làm việc gần 10 năm ở doanh nghiệp cũ? Nói thật, chồng mình dù rất thương vợ nhưng khi mình ở nhà, anh ấy cũng có vẻ coi thường chứ không như xưa. Điều mình muốn nói ở đây là dù người đàn ông trong gia đình có kiếm được rất nhiều tiền thì người phụ nữ cũng không nên an phận, sống dựa vào chồng vì điều đó sẽ làm cho mình bị "mất giá". Chỉ có lao động mới làm nên giá trị của một con người” - chị L.A bộc bạch.
Chị Lê Thị Huyền Chi - có chồng là giám đốc một khách sạn ở quận 1, TP HCM - cũng vừa đăng thông tin tìm việc trên một trang web việc làm. “Khi tôi sinh con, anh ấy năn nỉ tôi ở nhà để chăm sóc con cho anh ấy yên tâm kiếm tiền. Tôi nghe lời nhưng lúc làm ăn thuận tiện thì không sao, lúc khó khăn, có bao nhiêu bực bội, anh ấy trút lên đầu tôi. Nói thật, không có gì khổ bằng làm vợ mà mỗi ngày phải chờ chồng phát tiền chợ. Tôi thà đi làm tạp vụ mà tự do còn hơn làm bà giám đốc nhưng phải ngửa tay xin tiền chồng mỗi ngày” - chị Huyền Chi tâm sự.
Chưa công bằng với lao động nữ
Giữa quý I/2014, Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập và Việc làm cho phụ nữ TP HCM đã tiến hành khảo sát về vấn đề việc làm trên 815 lao động nữ đã từng rời khỏi thị trường lao động vì lý do gia đình. Trong số này, đến 67% cho biết họ nghỉ việc vì lý do chồng là cán bộ quản lý ở các cơ quan, doanh nghiệp, có thu nhập cao, không muốn vợ phải vất vả. Mặt khác, họ cũng thấy được tầm quan trọng của vấn đề chăm sóc, giáo dục con cái nên có sự phân công lao động: một người kiếm tiền, một người lo chuyện nhà.
Thế nhưng, có đến 86,5% lao động nữ được khảo sát cho biết ngay từ những ngày đầu “chủ động mất việc”, họ đã buồn bã, lo lắng, bị trầm cảm. Từ tháng thứ ba, họ bắt đầu thấy nhàm chán với cuộc sống khép kín trong gia đình và sau 1 năm thì thấy mình hoàn toàn "mất giá" trong mắt chồng, con.
Chị Trần Thị Ngọc Phương - ở phường 12, quận 10, TP HCM - cho biết: “Chỉ việc đưa đón 2 đứa con đi học chính thức, ngoại khóa, học thêm, học ngoại ngữ... cũng khiến tôi “đuối toàn tập”. Thế mà, ông xã khỏe thì thôi chứ có chuyện gì bực mình ở cơ quan là trút hết lên đầu tôi”.
Trước đây, chị Phương là chuyên viên nhân sự của một tập đoàn đa quốc gia, tiền lương của chị hơn 1.000 USD/tháng. “Trong túi mình lúc nào cũng có tiền, muốn tiêu xài, sắm sửa, muốn cho cha mẹ 2 bên bao nhiêu là có ngay. Còn bây giờ, mỗi tháng ông xã đưa cho tôi khoảng chục triệu đồng, phải gói ghém, tiện tặn mới đủ chi xài. Vậy mà anh ấy còn coi mình như kẻ ăn bám!” - chị ấm ức. Mới đây, chị Phương đã quyết định tìm việc làm trở lại sau một trận gây gổ với chồng.
Có việc mới có bình đẳng!
Bà Lê Lan Phi Phượng, chuyên viên Công ty Tư vấn Nhân lực Toàn Việt, nhận định: “Rất nhiều phụ nữ trước đây có vai trò, địa vị xã hội nhưng khi họ chấp nhận lùi vào phía sau để lo cho gia đình thì từ xã hội đến gia đình lại kỳ thị, cho rằng họ sống bám. Tốt nhất là chị em phải có một công việc, có thu nhập thì mới mong thực hiện bình đẳng trong thời buổi hiện nay”.
Bình luận (0)