“Khi vào làm việc, công ty thỏa thuận sẽ ký hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đầy đủ. Sau đó, hằng tháng công ty đều trừ tiền BHXH, BHYT nhưng không hề phát thẻ BHYT cho công nhân (CN). Mỗi khi ốm đau, bệnh tật, CN phải tự bỏ tiền điều trị. CN thắc mắc thì công ty bảo chờ”. Đây là bức xúc của chị V.T.D, CN Công ty May Kinh Bắc (quận Gò Vấp-TPHCM) trong đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng TP mới đây.
Không được hưởng chế độ
Theo số liệu của BHXH TPHCM, hiện có rất nhiều doanh nghiệp (DN) còn nợ tiền BHXH. Chỉ tính riêng những DN nợ từ 1 tỉ đồng trở lên thì cũng đã lên tới hàng chục. Điển hình như Công ty CP TM và DV Hàng hải Chim Ưng nợ 3,1 tỉ đồng; Công ty CP TM Tiến Hưng nợ 2,1 tỉ đồng; Công ty CP Phúc Long nợ 1,7 tỉ đồng; Công ty CP Xây dựng 41 nợ 1 tỉ đồng… Việc DN chậm đóng BHXH khiến các quyền lợi về BHXH, BHYT của người lao động (NLĐ) không được giải quyết. Thậm chí, nếu NLĐ thôi việc cũng không thể làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Gây thiệt hại rất lớn cho người lao động
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết việc DN nợ BHXH kéo dài vừa vi phạm pháp luật vừa gây thiệt hại rất lớn cho NLĐ. Hiện các quy định chế tài chưa đủ mạnh nên DN tiếp tục chây ì trong việc nộp BHXH. “DN nợ tiền BHXH ít hay nhiều thì cũng chỉ bị phạt tối đa 30 triệu đồng. Mức phạt này là quá nhẹ, không đủ sức răn đe nên DN cố tình trốn đóng BHXH. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tăng mức xử phạt, chẳng hạn phạt 20% trên tổng số tiền nợ hoặc tăng mức phạt tối đa lên 500 triệu đồng. Bên cạnh việc xử phạt hành chính cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, kéo dài”- ông Sang đề nghị.
Đồng tình với quan điểm này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, cho rằng tình trạng DN trốn đóng, chiếm đoạt BHXH xảy ra rất phổ biến khiến quyền lợi của NLĐ bị xâm hại nặng nề. Tuy nhiên, không có bất cứ quy định nào trong Nghị định 86/CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực BHXH đề cập việc nếu DN vẫn không thực hiện biện pháp khắc phục thì sẽ chịu hậu quả như thế nào. Chính vì vậy, không ít DN đã chiếm dụng quỹ BHXH để hưởng lợi về mặt tài chính. Luật sư Hậu kiến nghị: “Nhà nước cần xây dựng cơ chế liên thông, hỗ trợ lẫn nhau giữa tổ chức BHXH và cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, ngân hàng, kho bạc... nhằm hạn chế tối đa việc trốn đóng BHXH của DN. Bên cạnh đó, cần sửa đổi Bộ Luật Hình sự theo hướng cập nhật, bổ sung tội danh “trốn tránh nghĩa vụ BHXH gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “lợi dụng chức vụ gây hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực BHXH”.
Kiên quyết xử lý các vi phạm UBND TPHCM vừa có văn bản gửi các sở, ngành về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật BHXH trên địa bàn TP; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi không đóng BHXH, đóng chậm, đóng không đầy đủ làm ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ. UBND TP chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH TP phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Ban Quản lý các KCX-KCN, BHXH và LĐLĐ TP nắm chắc tình hình, số lượng DN, cơ sở sản xuất, số lao động để yêu cầu tham gia BHXH. Song song đó, tăng cường thanh tra việc thực hiện chính sách BHXH, tập trung vào các DN thường xuyên hoặc có dấu hiệu trốn đóng, nợ đóng, đóng chậm BHXH, xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm pháp luật lao động và Luật BHXH. |
Bình luận (0)