Ngày 6-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngay sau đó, Trung ương Đảng ta đã ra lời kêu gọi “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Lúc này, ở miền Nam, đặc biệt các vùng đô thị, trong đó có Sài Gòn, Gia Định, phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy cũng đã có những hoạt động chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, đáp lời kêu gọi “giờ hành động đã đến” của Đảng và Bác Hồ.
Tương kế tựu kế
Sau đảo chính Pháp, phát xít Nhật vẫn giữ nguyên bộ máy cai trị của Pháp ở miền Nam, chỉ thay chức thống đốc Nam Kỳ. Cùng với việc đưa Minoda làm thống đốc, phát xít Nhật mong tìm được hậu thuẫn cho bộ máy cai trị của chúng. Khoảng giữa tháng 3-1945, Minoda cho mời anh Phạm Ngọc Thạch và tôi (kỹ sư Ngô Tấn Nhơn) đến. Vì tưởng lầm anh Thạch là người quốc gia độc lập, Minoda yêu cầu anh Thạch xây dựng một phong trào thanh niên quốc gia (như kiểu thanh niên Pétain ở Pháp) để ủng hộ Nhật. Việc này được bàn kỹ trong Xứ ủy. Ý kiến thống nhất cho rằng: Ai đứng ra tổ chức quần chúng thì người đó nắm được quần chúng. Đảng ta tổ chức, vận động quần chúng thì làm sao Nhật có thể nắm được. Đây là thời cơ cần chớp lấy. Từ “mượn” hình thức công khai, chúng ta sẽ xây dựng một lực lượng quần chúng cách mạng bao gồm công nhân, phụ nữ, nông dân, viên chức... Những quần chúng cốt cán này sẽ được “cấy” xuống các nhà máy, xưởng thợ, xóm ấp. Tuy tổ chức công khai, nhưng những hoạt động tuyên truyền cách mạng, chuẩn bị lực lượng, trong đó có lực lượng vũ trang, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được thực hiện một cách bí mật nên bọn Nhật có mắt cũng như mù.
Dụng nước chiếu bí
Đầu tháng 8-1945, thời cơ cách mạng dần chín muồi. Tại Sài Gòn, về cơ bản, các tổ chức công đoàn, phụ nữ, thanh niên cứu quốc đã xây dựng được một lực lượng quần chúng cách mạng rộng lớn, chuẩn bị lực lượng cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tuy nhiên, về vũ khí thì chỉ có tầm vông, giáo mác. Chủ trương của Xứ ủy Nam Kỳ là lấy súng của quân đội Nhật đã đầu hàng quân đồng minh để trang bị cho lực lượng cách mạng. Nhưng lấy bằng cách nào? Có hai phương án: Một - tước vũ khí của quân đội Nhật. Lúc này, ở Sài Gòn - Chợ Lớn, Nhật đang có 2 sư đoàn tinh nhuệ, cướp vũ khí của chúng là việc làm vượt quá khả năng của ta. Cách thứ hai là thương lượng. Điều này có vẻ thuận lợi hơn. Bởi lúc này, ở khắp nơi từ Hà Nội vào đến Huế, cách mạng đã thành công, chính quyền đã thuộc về nhân dân; quân đội Nhật và tay sai ở Sài Gòn đang vô cùng hoang mang.
Thế là vào tối trước ngày tổng khởi nghĩa một tuần, theo sự chỉ đạo của Xứ ủy, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cùng tôi, với danh nghĩa là lãnh đạo Thanh niên Tiền phong, đến tổng hành dinh của quân đội Nhật ở đồn Cây Mai (Chợ Lớn). Chỉ huy quân Nhật ở Đông Nam Á bây giờ là tướng Terauchi, một người lùn thó, gầy gò, đầu cạo trọc lóc, đeo thanh gươm dài mũi sát đất mà cán thì lên đến ngực. Ngay khi giáp mặt Terauchi, anh Thạch mở đầu bằng giọng ôn hòa, nhưng đầy thâm ý: “Chúng tôi xin chia buồn với nước Nhật đã hy sinh hai triệu dân dưới hai quả bom nguyên tử của Mỹ”. Terauchi ôm đầu, dáng điệu đầy đau khổ. Anh Thạch tiếp: “Quân đội Nhật đã đầu hàng đồng minh thì phải giao vũ khí cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp tế cho quân đội”. Terauchi suy nghĩ một lát, rồi trả lời, nó không thể giao vũ khí của Nhật vì phải giữ lại để bàn giao cho quân đội đồng minh sắp vào Sài Gòn. Tuy nhiên, nó có thể giao số vũ khí mà Nhật tước được của Pháp. Vậy là, gần một ngàn súng trường, một ít súng máy và khá nhiều đạn dược đã trở thành cái vốn ban đầu cho cách mạng. Với số súng này, lực lượng vũ trang của ta đã chốt chặn ở những nơi xung yếu, làm hậu thuẫn cho cuộc nổi dậy của quần chúng cách mạng giành chính quyền trong ngày 25-8-1945 và trấn giữ các đầu cầu, ghìm chân quân Pháp trong thành phố Sài Gòn những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến.
Thay lời kết
“Chuyện tiếp sau là chuyện ai cũng biết - cụ Nhơn nói - bây giờ đã năm mươi tám năm trôi qua rồi, nhưng sự kiện về ngày ấy trong lớp người như chúng tôi không bao giờ phai nhòa”. Rồi cụ kể thêm những ngày cụ cùng đồng chí phát động kháng chiến chống Pháp, khi Pháp núp bóng quân đồng minh Anh trở lại chiếm Sài Gòn ra sao; chuyện làm công tác kinh tài cho Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ như thế nào. Và chuyện cụ làm đại biểu Quốc hội (từ khóa 1 đến khóa 6), chuyện xây dựng căn cứ địa cho cuộc kháng chiến ở Đồng Tháp Mười... Cuộc đời của cụ theo nhịp bước kháng chiến đã chứng kiến biết bao sự kiện sôi động, nhưng cho đến tận giờ cụ vẫn chiêm nghiệm một điều: Khí thế cách mạng trào lên như thác lũ, cuốn phăng ách thống trị cùng bèo bọt của chế độ thực dân Pháp..., đó là câu nói chính xác nhất, biểu cảm nhất để chỉ về những ngày Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.
Và trong đôi mắt già nua của cụ Nhơn, bỗng ánh lên nét trẻ trung, sôi động. Ở đó lóng lánh có bóng cờ.
Bình luận (0)