Nhận định này nêu trong Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 với chủ đề Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố ngày mới đây.
Năng suất lao động Việt Nam quá thấp
Theo báo cáo của VEPR, năng suất lao động bình quân thời gian qua tuy có tăng nhưng nhìn chung còn rất thấp. Cụ thể, năng suất lao động bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017. Giai đoạn 2012 - 2017, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân của toàn nền kinh tế tăng bình quân 5,3%/năm.
năng suất lao động bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017
Các ngành có năng suất lao động ở mức cao là các ngành khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí; hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm, hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ, hoạt động kinh doanh bất động sản, cung cấp nước. VEPR cho biết, so với các nước trong khu vực ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia), tính tới năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam trong 9 nhóm ngành đều ở mức thấp nhất.
Đáng chú ý, một số ngành giữ vai trò dẫn dắt, cần tạo ra năng suất lao động bền vững như chế biến, logistics, xây dựng lại có năng suất lao động thấp. Nông, lâm nghiệp và thủy sản nằm trong số các ngành có năng suất lao động thấp nhất nền kinh tế. Trong khi đó, năng suất lao động ở các ngành có giá trị gia tăng thấp như khai mỏ, khai khoáng, bất động sản, dịch vụ tài chính... lại cao hơn một số nước trong khu vực. "Như vậy có thể thấy nguồn lực đầu tư đang được chuyển dịch nhiều vào các ngành, lĩnh vực cũ, có giá trị gia tăng thấp. Điều này thể hiện sự méo mó trong năng suất lao động", VEPR khẳng đinh.
Cải cách mạnh mẽ hơn
Các chuyên gia cho rằng, việc dịch chuyển lao động quá ồ ạt mà không được kiểm soát giữa các ngành làm cho năng suất lao động trung bình của nền kinh tế không cải thiện mạnh.
Một trong những vấn đề cốt yếu khác là sự thiếu minh bạch và thiếu chia sẻ thông tin trên thị trường lao động, cấu trúc thị trường lao động chưa được hoàn thiện… Các thể chế ở trong thị trường lao động cũng như các cơ quan, đơn vị dịch vụ có khả năng cung cấp thông tin cho người lao động đến nay chưa phát huy tác dụng. Lao động trẻ hầu như không sử dụng các dịch vụ đó mà vẫn chỉ thông qua quen biết, cảm nhận nên việc lựa chọn nghề nghiệp còn nghèo nàn dẫn tới sự dịch chuyển chậm và thiếu sự cân bằng. Điều này không phát huy được năng lực của từng cá nhân, không tạo được động lực cho mỗi cá nhân tích lũy kỹ năng, tri thức để hoàn thiện bản thân, nâng cao năng suất.
Các chuyên gia cho rằng, để cải thiện năng suất lao động, Việt Nam cần tiếp tục tạo điều kiện tích cực để thúc đẩy tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp, có chính sách đào tạo và nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động. Đặc biệt, Việt Nam cần chú trọng vào đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ, đầu tư thêm vào việc nghiên cứu cải tiến công nghệ và mua các công nghệ từ nước ngoài trong trường hợp cần thiết.
Nếu không muốn bị vượt qua bởi các quốc gia láng giềng như Campuchia về năng suất lao động nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ hơn để cải thiện năng suất lao động của các ngành kinh tế. Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rõ, việc điều chỉnh liên tục lương tối thiểu dẫn tới làm giảm mức tăng trưởng việc làm và giảm tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp. Hệ lụy là doanh nghiệp tư nhân có khuynh hướng cắt giảm lao động chính thức (có đóng bảo hiểm) để đối phó khi lương tối thiểu tăng. Khi đó, một tỷ lệ lớn lao động trẻ làm việc trong lĩnh vực hộ gia đình hoặc phi chính thức và không đúng với chuyên môn được đào tạo, đồng nghĩa với việc họ ít có điều kiện tích lũy kỹ năng.
Họ cũng có khuynh hướng ít được hưởng BHXH hơn. Điều này cho thấy nguy cơ năng suất không được cải thiện trong tương lai đi cùng với nhiều rủi ro hơn. Từ đó, nhóm tác giả của báo cáo đưa ra khuyến nghị, điều chỉnh lương tối thiểu cần được thực hiện phù hợp với tăng năng suất lao động.
Chính phủ cần lựa chọn thúc đẩy năng suất lao động như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kế hoạch trung và dài hạn. Lương tối thiểu là một công cụ để hỗ trợ người lao động, nhưng bản chất vấn đề nằm ở năng suất lao động. Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn.
Bình luận (0)