Đó là một người đàn ông cởi trần để lộ hết 2 hàng xương sườn. Anh ta mặc cái quần đùi rộng thùng thình xỉn màu, đầu đội chiếc nón lá rách tả tơi. Tôi nghe giọng anh ta thảng thốt: “Dạ, chào sếp”.
Tôi bối rối đến lắp bắp: “Anh là... là...”. Tôi không nhớ tên anh ta nhưng biết chắc đó là nhân viên của mình. Tôi bảo tài xế chở con gái đi chơi, còn mình ngồi lại với anh nhân viên và cậu con trai 8 tuổi của anh ta. Thằng bé cũng ốm nhách như ba nó. Mới 8 tuổi đầu nhưng đi học về, nó phải theo cha ra ruộng bắt ốc, mò cua, xúc tép trên những cánh đồng bỏ hoang của khu quy hoạch treo.
Trong câu chuyện với anh nhân viên, tôi mới biết trong khi mình ngồi trong phòng máy lạnh, ăn cao lương mỹ vị, nhậu rượu ngoại mấy chục triệu đồng một chai thì nhân viên của tôi có người bữa cơm không có thịt cá; có người vợ đau, con ốm không có tiền mua thuốc; có người lâu lắm rồi Tết chẳng được về quê...
Công ty tôi có hơn 200 nhân viên, tôi chỉ biết tên đến hàng phó phòng chứ dưới nữa thì tôi không thể nào biết được. Tôi nghe phòng kinh doanh báo cáo doanh số, lợi nhuận; phòng tổ chức báo cáo về nhân sự; phòng tài chính báo cáo tiền lương, thu nhập... Chẳng có ai báo cáo cho tôi về nhân viên này khó khăn, nhân viên kia bệnh tật hiểm nghèo, nhân viên nọ gia cảnh nheo nhóc... Nhờ tình cờ đưa con đi chơi mà tôi biết được một ngụm rượu của mình là cơm gạo cả ngày của một gia đình công nhân 4 người...
“Tại sao trong báo cáo, thu nhập bình quân của công ty đạt hơn 7 triệu đồng/người/tháng mà tôi hỏi công nhân, họ nói chỉ được 3,5 triệu đồng?” - tôi hỏi trưởng phòng tài chính. Anh ta lý giải đó là thu nhập bình quân, tức lấy tổng thu nhập của quan và lính rồi chia đều.
Giờ tôi mới thấm thía chuyện 2 người ăn một con gà, bình quân mỗi người ăn nửa con là như thế nào. Và tôi thấy xấu hổ với những chiếc xương sườn, chiếc quần đùi xỉn màu của anh nhân viên; xấu hổ khi nhìn những con ốc bò loi ngoi trong cái thùng nhựa trên tay cháu bé... Thề với lòng là từ nay sẽ không ngồi một chỗ mà nghe báo cáo nữa.
Bình luận (0)