Gần 1 năm nay, dù mang danh cán bộ nhưng hằng tháng, con trai ông L. vẫn phải nhờ viện trợ của gia đình vì… “lương ba cọc ba đồng không đủ sống”. Không biết bao giờ cha con ông L. mới lấy lại được số tiền đã bỏ ra để “mua” công việc? Cũng không biết có bao nhiêu phụ huynh rơi vào hoàn cảnh như ông L. khi thời buổi kinh tế thị trường, nhiều thứ đều quy ra tiền và được hợp thức hóa, kể cả việc chọn lọc và đầu tư cho nguồn nhân lực.
Bên cạnh những sinh viên chạy đôn chạy đáo xin việc sau khi ra trường, có một bộ phận bạn trẻ ỷ lại gia đình “chống lưng” nên chỉ ngồi chờ sung rụng. Thụ động ngay từ bước khởi đầu, liệu nhóm lao động trẻ này có tạo ra năng suất lao động hiệu quả? Chưa kể, tuyển dụng dựa vào kết quả “mua - bán” thì những ứng viên có thực lực nhưng không đi cửa sau sẽ không có cơ hội chen chân. Tình trạng trên xảy ra phổ biến ở vùng nông thôn, địa phương cách xa trung tâm thành phố.
Không có gì sai khi các bậc phụ huynh lo xa, sợ con thất nghiệp. Song, thương con cái bằng cách này đã vô tình làm thui chột sự năng động, ý thức cạnh tranh vốn có của nhiều bạn trẻ, cũng là thành phần quan trọng có tác động không nhỏ đến sự sống còn của thị trường lao động.
Thay vì dùng tiền giúp “mua” việc, các bậc phụ huynh nên định hướng nghề nghiệp từ sớm, cổ vũ con mình chủ động lăn xả để tự tìm cơ hội. Lao động trẻ cũng đừng vì có gia đình trợ giúp mà chủ quan trong môi trường làm việc ngày một khắc nghiệt. Có như vậy, các bạn trẻ mới tránh được quy luật đào thải trong bối cảnh hiện nay.
Bình luận (0)