Nhiều người dù tham gia BHYT nhiều năm liên tiếp vẫn không biết hết những quyền lợi mà mình có thể hưởng, đặc biệt là khi đã tham gia 5 năm trở lên.
Theo quy định tại khoản 5, điều 12 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người tham gia BHYT từ đủ 5 năm trở lên, gián đoạn không quá 3 tháng sẽ được coi là đủ 5 năm liên tục.
Theo khoản 1, điều 3 Quyết định 1313/QĐ-BHXH, trên thẻ BHYT sẽ có dòng chữ "Thời điểm đủ 5 năm liên tục từ ngày…/…/…". Với những người tham gia BHYT chưa đủ 5 năm hoặc không liên tục thì thẻ BHYT sẽ không có dòng chữ này.
Nếu không là đối tượng đặc biệt thì việc tham gia BHYT liên tục sẽ hỗ trợ rất nhiều cho người dân trong việc chăm sóc sức khỏe
Điểm đ, khoản 1, điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP nêu rõ, người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng: 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến.
Như vậy, chỉ cần tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, người dân đã có thể được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng.
Tuy nhiên, cũng với quy định này, có thể thấy được điều kiện để hưởng mức thanh toán này đó là: Tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên. Điều kiện này đồng nghĩa với việc trên thẻ BHYT phải có dòng chữ "Thời điểm đủ 5 năm liên tục từ ngày …/…/…".
Có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
Từ ngày 1-1-2020, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng thì số tiền cùng chi trả phải lớn hơn 6 x 1,49 triệu đồng = 8,94 triệu đồng. Từ ngày 1-7-2020, mức lương cơ sở là 1,6 triệu đồng/tháng thì số tiền cùng chi trả phải lớn hơn 6 x 1,6 triệu đồng = 9,6 triệu đồng.
Khi đáp ứng đủ những điều kiện này, người dân sẽ được hưởng mức hưởng BHYT như đã nêu.
Bình luận (0)