Hiện nay, việc xuất khẩu lao động "chui" đang là một thực trạng nhức nhối và con số đang không ngừng tăng lên. Trong đó, ba quốc gia Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc được xem là thiên đường của những người LĐ “chui”.
Tình trạng các công ty hoạt động về lĩnh vực tư vấn du học nhưng mục đích chủ yếu đưa lao động sang nước ngoài làm việc diễn ra khá phổ biến và ngày càng phát triển với hàng tá công ty mọc lên như nấm. Những chiêu thức quảng cáo thường thấy là "Vừa học vừa làm thêm kiếm được 300 nghìn Yên/ tháng (khoảng 60 triệu đồng)", hay "Mức lương được nhận 1 giờ là 3.000 Yên (khoảng 600 nghìn đồng)", hoặc "Trong thời gian lưu học, thu nhập từ việc làm thêm không những có thể chi trả toàn bộ các chi phí học tập và sinh hoạt mà còn có thể gửi về gia đình".
Cuộc sống của lao động “chui” tại Nhật Bản không như mơ
Những lời mật ngọt và viễn cảnh tương lai tươi đẹp ấy đã phần nào khiến nhiều bạn trẻ bị lóa mắt và tin tưởng tuyệt đối không mảy may nghi ngờ. Để rồi đến khi tốn một khoảng chi phí không hề nhỏ để sang được đất khách, họ mới đau đáu nhận ra thực tiễn không như mơ và rất nhiều trường hợp bị trục xuất về nước do cư trú quá hạn, còn công ty du học thì lúc này lại lặn biệt tăm tích.
Một hình thức quen thuộc hơn dẫu đã nhận rất nhiều cảnh báo từ báo đài cũng như các phương tiện truyền thông, nhưng thực tế tình trạng vẫn ngày càng gia tăng là kết hôn giả. Ông Hoàng Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián (Nghi Xuân - Hà Tĩnh), là một trong những địa phương cũng khá nhức nhối trong câu chuyện về lao động "chui" nhẩm tính có khoảng gần 1.500 lao động đi theo đường bất hợp pháp.
Đường tương lai rộng mở thì chưa thấy nhưng những trường hợp bị phát giác và trả về nước thì phải gánh chịu bao tổn thất nặng nề từ kế hoạch kết hôn giả để lao động "chui". Nghiệt ngã nhất là những người bị trục xuất về khi còn chưa kịp ly hôn. Về đến địa phương lại tiếp tục lấy chồng sinh con nhưng vị vướng thủ tục pháp lý nên không thể đăng ký kết hôn tiếp, con cái sinh ra phải mang họ mẹ, thậm chí nhiều bé sắp đến tuổi đến trường nhưng loay hoay mãi giấy khai sinh vẫn chưa hoàn thiện.
Còn với những lao động đã sang được đến xứ người thì phải đối mặt với cường độ làm việc cao chứ không hề "việc nhẹ lương cao" như lời các môi giới. Thậm chí có nhiều trường hợp còn bị tai nạn ở xứ người những cũng phải ngậm ngùi không thể kiện cáo hay đòi bồi thường vì bản thân mình là lao động…"chui".
Nhiều công ty xuất khẩu lao động “chui” dưới vỏ bọc du lịch đã bị bắt
Bên cạnh đó, du lịch cũng là một phương thức thường được các lao động chọn để được sang đất khách. Những công ty du lịch môi giới sẽ chỉ cho khách hàng những chiêu thức để qua mặt cơ quan an ninh như tu sửa nhan sắc, cách ăn mặc cho đến dáng đi để "cho giống con nhà có điều kiện" đi du lịch. Ngoài ra, trước đó những lao động này phải bỏ tiền qua một số nước như Thái Lan, Singapore,… để du lịch một vài ngày.
Ngoài hình thức du lịch, nhiều lao động thông qua chương trình hợp tác lao động giữa chính phủ hai nước rồi bỏ trốn sau đó. Dù chi phí thấp nhưng hình thức này rất khó và phải chờ đợi lâu nên không nhiều người chọn. Ngoài ra, còn có nhiều con đường để qua làm việc bất hợp pháp đi thi đấu hoặc học hỏi võ thuật, đi thương mại,…Vì muôn hình vạn trạng nên cơ quan chức năng rất khó để kiểm soát và quản lý.
Tuy phải đối mặt với nhiều rủi ro nhưng các lao động vẫn cố tìm cách sang nước ngoài bởi mức lương hấp dẫn và cơ hội đổi đời. Nếu ai thành công trót lọt thì phải chấp nhận cuộc sống chui nhủi, còn ai không bay bị phát giác và trục xuất về thì gia đình phải ôm khoản nợ ban đầu lúc vay mượn để trả cho các công ty môi giới.
Hiện nay, con số lao động "chui" đang ngày càng tăng và không hề có dấu hiệu hạ nhiệt, nhất là khi những người thành công lại tìm cách cứu cánh cho những người có định sau đó. Thiết nghĩ, trong thời gian sắp tới các cơ quan ban ngành cần phải siết chặt hơn nữa cũng như đánh vào các công ty "cò" để triệt hạ tình trạng xuất khẩu lao động trái phép ngày càng tăng.
Bình luận (0)