2022 là năm thành công của hoạt động đưa người lao động (NLĐ) ra nước ngoài làm việc khi cả nước có 142.779 lao động đến nhiều thị trường. Ngoài những thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, năm qua đã có hơn 3.000 lao động sang Hungary, Romania, Ba Lan, Đức, Nga... làm việc. Đây là nỗ lực của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) trong việc đẩy mạnh phái cử lao động đến những thị trường mới với công việc ổn định, thu nhập cao.
Tập trung thị trường có thu nhập cao
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab, thuộc Bộ LĐ-TB-XH) cho biết năm 2023 sẽ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, Dolab tập trung khai thác các thị trường có thu nhập cao, ổn định tại châu Âu, Úc, Canada, Israel...
Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Dolab, khẳng định trong năm nay, Dolab triển khai ngay việc phát triển thị trường mới, đàm phán, ký kết thỏa thuận quốc tế để NLĐ đến nhiều nước có công việc phù hợp, việc làm ổn định dài lâu và được trả mức lương cao. Ngoài phái cử lao động có tay nghề, kỹ năng, Dolab còn tăng cường tạo nguồn, đào tạo và triển khai đồng bộ các chính sách, hoạt động hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời đẩy mạnh quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
"Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ hết hạn hợp đồng về nước rất được ngành LĐ-TB-XH quan tâm. Qua đó, nhằm phát huy tay nghề, kinh nghiệm của NLĐ phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động" - ông Nam nhấn mạnh.
Một trong nhiều nội dung quan trọng trong Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới là quảng bá văn hóa, hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới; nghiên cứu mở rộng thị trường lao động ngoài nước gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán của các nước cho NLĐ; ưu tiên đưa lao động đi làm việc ở những thị trường lao động có thu nhập cao, an toàn…
Các doanh nghiệp Nhật Bản rất chú trọng thị trường lao động Việt Nam
Ưu tiên tuyển người lành nghề
Năm qua, có 67.295 NLĐ sang Nhật Bản làm việc, đứng đầu danh sách các nước tiếp nhận lao động Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, trong số này trên 80% là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề hoặc chỉ học nghề cơ bản. Điều này khiến thu nhập của NLĐ tại Nhật Bản chưa cao.
Theo ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Esuhai Group (quận Tân Bình, TP HCM), nhiều năm nay Esuhai chú trọng đưa kỹ sư, lao động có tay nghề sang Nhật Bản làm việc và được các DN nước sở tại đánh giá rất tốt. Đi theo diện kỹ sư có tay nghề, NLĐ được hưởng nhiều quyền lợi và thu nhập cao. Hiện đơn vị đang đẩy mạnh thực hiện chương trình thực tập chuyên ngành tại Nhật Bản, hợp tác với một số trường cao đẳng, đại học tại nhiều địa phương ở Việt Nam để đào tạo sinh viên chuyên ngành. "Tham gia chương trình này, sinh viên sẽ có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Đây là cách cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trong phái cử lao động sang Nhật Bản làm việc để bảo đảm công việc đúng chuyên môn và thu nhập tương xứng" - ông Sơn nói.
Là thị trường đứng thứ 3 tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam, mới đây, Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Hàn Quốc đã công bố cải tiến cấp phép tuyển dụng lao động nước ngoài. Trong đó, Hàn Quốc ưu tiên tuyển nhân lực nước ngoài lành nghề, đa dạng phương thức sử dụng nhân lực nước ngoài cho vùng sâu, vùng xa và tăng cường hỗ trợ cư trú cho NLĐ nước ngoài. Ngoài cho phép áp dụng chế độ chuyển đổi sang Visa tìm việc D-10 đối với du học sinh nước ngoài sau khi đã tốt nghiệp đại học tại Hàn Quốc, nước này cũng cho phép các DN tăng hạn mức tuyển lao động nước ngoài và bãi bỏ hạn mức cấp phép sử dụng lao động mới.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Dolab, cho rằng chính sách mới này sẽ giúp NLĐ Việt Nam có nhiều cơ hội, sự lựa chọn hơn khi đi làm việc ở Hàn Quốc. Tuy vậy, thời gian gần đây, Hàn Quốc tăng cường tuyển dụng lao động nước ngoài lành nghề cho lĩnh vực sản xuất chế tạo, phục vụ cho nhiều ngành nghề là thế mạnh của họ. Do đó, việc phái cử lao động lành nghề sang Hàn Quốc đang được Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đẩy mạnh.
Bình luận (0)