xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nặng nợ với nghề

Bài và ảnh: HỒNG ĐÀO

Mỗi một sáng kiến của họ không chỉ thể hiện đam mê nghề nghiệp mà còn hướng đến mục tiêu phục vụ cộng đồng

Trong 7 cá nhân điển hình vừa được LĐLĐ quận 5, TP HCM trao giải thưởng Trần Văn Kiểu, chị Lê Thanh Thủy - Trưởng Phòng Điều dưỡng Bệnh viện quận 5, TP HCM - được đánh giá cao ở tinh thần dấn thân, hết lòng phục vụ bệnh nhân. “Từng lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo khi chồng bệnh tật, con còn nhỏ dại nên tôi dặn lòng phải dốc hết sức giúp đỡ người nghèo. Đó không chỉ là trách nhiệm của người thầy thuốc mà còn là mệnh lệnh từ trái tim” - chị Thủy bộc bạch.

Thầy thuốc của người nghèo

Tốt nghiệp ngành vật lý trị liệu Trung cấp Trung học Kỹ thuật Y tế 3 TP HCM vào năm 1984, chị Thủy về Khoa Đông y Bệnh viện quận 5 làm việc. Suốt 31 năm gắn bó với bệnh viện, chị luôn được đồng nghiệp nể trọng bởi chuyên môn giỏi, tận tụy với bệnh nhân.

Điều dưỡng trưởng Lê Thanh Thủy thăm hỏi tình hình sức khỏe bệnh nhân
Điều dưỡng trưởng Lê Thanh Thủy thăm hỏi tình hình sức khỏe bệnh nhân

Nhắc đến chị, đồng nghiệp luôn dành nhiều lời ngợi khen. Yêu nghề nên chị luôn dày công tìm tòi, thực hiện nhiều đề tài, giải pháp để điều trị hiệu quả, giảm chi phí cho người bệnh. Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, chứng kiến nhiều người bị méo một bên mặt (do liệt dây thần kinh số 7), ảnh hưởng không nhỏ đến giao tiếp và ăn uống, chị rất trăn trở. Vốn được đào tạo bài bản, chị đã bắt tay thực hiện đề tài “Áp dụng kỹ thuật PNF” - một phương pháp dùng tay để kích thích, massage cơ mặt. Để bệnh nhân dễ thực hiện, chị làm mẫu và sau đó hướng dẫn họ tự xoa bóp. Liệu pháp massage đơn giản, không tốn kém của chị lập tức phát huy tác dụng khi trong số 52 ca đến bệnh viện điều trị, đã có 42 ca phục hồi hoàn toàn, 8 ca phục hồi 80%, chỉ có 2 ca để lại di chứng do bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị. Trong 42 ca điều trị thành công, chị nhớ nhất hình ảnh một cô bé đang học trung học phổ thông. Phát hiện con bị méo cơ mặt, nếu có biến chứng sẽ ảnh hưởng đến tương lai sau này nên gia đình em vô cùng lo lắng. Với sự hướng dẫn tận tình của chị, thật kỳ diệu là chỉ sau 3 tuần điều trị, cô bé đã bình phục hoàn toàn trong niềm vui khôn tả của người nhà. “Chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc của em, tôi thực sự cảm động và vui vì mình đã làm được điều có ích” - chị chia sẻ.

Trong quá trình làm việc, chị cũng gặp nhiều bệnh nhi là trẻ bại não do sinh non, ngợp khi sinh hoặc thiếu ối làm trẻ liệt từ 1 đến 4 chi. Để tập vật lý trị liệu cho các bé, gia đình phải mua một cái ghế ngoại nhập ngồi với giá từ 2 đến 3 triệu đồng. Giải pháp “Dụng cụ trợ giúp thay thế” của chị ra đời trong hoàn cảnh này. Người nhà bệnh nhân chỉ cần lấy một cái ghế rồi lót thêm vải, buộc thêm đai là có thể tập vật lý trị liệu cho trẻ, từ đó tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ.

“Tận tụy với nghề và hết lòng phục vụ bệnh nhân nghèo, chị Thủy xứng đáng là một người thầy thuốc mẫu mực” - bác sĩ Nguyễn Văn Trương, Giám đốc Bệnh viện quận 5, khen ngợi.

Tài không đợi tuổi

Một cá nhân khác đoạt Giải thưởng Trần Văn Kiểu lần XIII và có nhiều sáng kiến, tiết kiệm cho doanh nghiệp là anh Nguyễn Văn Quý, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng Xí nghiệp (XN) Liên doanh Vianco. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có ba mẹ làm nghề nấu ăn, Quý hiểu được tầm quan trọng của việc bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó cũng là lý do anh thi vào Trường CĐ Công nghệ Thực phẩm. Tốt nghiệp năm 2009, anh xin vào làm công nhân tại XN Liên doanh Vianco.


Anh Nguyễn Văn Quý, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng Xí nghiệp Liên doanh Vianco

Anh Nguyễn Văn Quý, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng Xí nghiệp Liên doanh Vianco

Được bố trí ở khâu đóng gói sản phẩm, sức trẻ và tinh thần ham học hỏi đã giúp Quý có những bước tiến nghề nghiệp vững chắc. Với kiến thức nền vững vàng và niềm đam mê sáng tạo mãnh liệt, Quý đã cho ra đời những sáng kiến thiết thực nhằm hợp lý hóa sản xuất, giảm thiểu công lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đáng kể nhất là sáng kiến “Cải tiến quy trình sản xuất sản phẩm sa tế dầu” thực hiện năm 2014. Với việc thay thế 50% nguyên liệu ớt tươi bằng bột ớt và kéo dài thêm thời gian nấu nguyên liệu (từ 15 đến 20 phút), quy trình do anh thực hiện không chỉ khắc phục tình trạng sản phẩm bị nhiễm nấm mà còn giảm tỉ lệ hao hụt của sản phẩm sau khi nấu xuống còn 0% (trước đây là 10%), giảm chi phí 3 triệu đồng/mẻ sản phẩm. Sáng kiến này làm lợi cho công ty trên 300 triệu đồng/năm. Sáu năm gắn bó với XN, chàng trai 27 tuổi này còn có những sáng kiến có giá trị khác, trong đó có nghiên cứu nguyên liệu thiên nhiên thay thế màu hạt điều trong các sản phẩm xuất khẩu.

“Giải thưởng Trần Văn Kiểu do LĐLĐ quận khởi xướng đã góp phần phát hiện, tôn vinh điển hình sáng tạo trong đội ngũ CNVC-LĐ. 99 cá nhân được vinh danh qua 13 lần tổ chức đã khẳng định uy tín của giải thưởng” - bà Trần Thị Anh Vũ, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 5, khẳng định.

Góc nhìn

Cống hiến thầm lặng

Cùng với giải thưởng uy tín Tôn Đức Thắng, 15 năm qua, các cấp Công đoàn TP HCM còn chủ động khởi xướng nhiều giải thưởng có giá trị khác nhằm tôn vinh tinh thần dấn thân và đam mê nghề nghiệp của đội ngũ CNVC-LĐ TP trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Tiêu biểu như giải thưởng Trần Văn Kiểu (LĐLĐ quận 5) và giải thưởng Lưu Chí Hiếu (LĐLĐ quận 1). “Các giải thưởng không chỉ động viên CNVC-LĐ tham gia phong trào lao động sáng tạo mà còn là sự ghi nhận đối với những đóng góp thầm lặng của những cá nhân luôn làm việc hết mình vì doanh nghiệp và cộng đồng” - ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, nhìn nhận.

Với xuất phát điểm là thực tiễn phong trào thi đua yêu nước, mục tiêu các giải thưởng do các cấp Công đoàn TP khởi xướng là tôn vinh giá trị lao động. Không khó phát hiện điều này ở mỗi cá nhân điển hình khi ở họ luôn toát lên tinh thần năng động, sức sáng tạo không ngừng, đặc biệt là không lùi bước trước khó khăn. Giá trị của tinh thần sáng tạo ở họ không đơn thuần là những con số tiết kiệm và làm lợi mà còn là ý thức phục vụ cộng đồng. Chính điều này mà mỗi một công trình, giải pháp của họ luôn hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng đối diện thử thách để vươn đến thành công là biểu hiện đẹp trong nhận thức lẫn hành động của đội ngũ CNVC-LĐ TP HCM.

Giá trị lớn nhất của sự sáng tạo là tinh thần cống hiến. Hơn ai hết, những tấm gương tiêu biểu được tôn vinh luôn ý thức rõ điều đó và họ luôn kiên định với mục tiêu mà mình đã chọn. Nói như Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, giá trị của sự sáng tạo không đơn thuần là thành công của một cá nhân mà chính là những đóng góp mà cá nhân đó mang lại cho xã hội.

An Khánh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo