- Ông Đặng Ngọc Tùng: BLLĐ năm 1994 quy định mỗi ngày làm việc 8 giờ, mỗi tuần 48 giờ. Quy định như vậy tại thời điểm đó là phù hợp. Sau 17 năm thực hiện, đến nay, Quốc hội đã ban hành thêm nhiều luật khác, trong đó có Luật Cán bộ Công chức, Luật Viên chức, thời giờ làm việc được rút ngắn 1 tuần còn 40 giờ. Do đó, tôi kiến nghị Quốc hội nghiên cứu rút ngắn thời giờ làm việc của người lao động xuống 44 giờ mỗi tuần. Người lao động (NLĐ) được nghỉ chiều thứ 7 để phục hồi sức khỏe và có thời gian chăm sóc gia đình, nâng cao dần mức hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần.
- Tôi hoàn toàn không đồng tình với quan điểm của Ban soạn thảo tăng giờ làm thêm lên đến 360 giờ/năm. Hiện nay, vì lương trả cho họ quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên buộc lòng họ mới chấp nhận làm thêm giờ. Hãy đặt mình vào vị trí của NLĐ sẽ thấy rõ điều đó.
* Ý kiến của ông về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ như thế nào?
- Chúng tôi rất tán thành quan điểm cho rằng cần phải tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng. Điều này rất quan trọng vì bảo đảm sức khoẻ của lao động nữ và trẻ sơ sinh chẳng những phù hợp với khuyến nghị của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) mà còn phù hợp với nguyện vọng của đa số lao động nữ khi sinh con. Ai cũng biết, những năm đầu đời của trẻ sơ sinh rất quan trọng, nếu bé được chăm sóc tốt trong vòng tay yêu thương của mẹ, không bị ốm đau sẽ là cơ sở cho sự phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần cho bé sau này. Vì tương lai của cả một thế hệ, chúng ta không nên tiếc gì vài tháng nghỉ thêm của lao động nữ.
* Theo ông, vấn đề bình đẳng giới trong tuổi nghỉ hưu có đồng nghĩa với việc nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 như nam giới?
- Được nghỉ hưu, được nhận sổ hưu là quyền lợi là nguyện vọng của mọi người lao động. Nếu chúng ta máy móc đưa tuổi được nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 là vô tình tước đi quyền được nghỉ hưu, được nhận sổ hưu của nhiều triệu lao động nữ, nhất là những người đang lao động chân tay ở các nhà máy, xí nghiệp hầm mỏ, nhất là trong ngành dệt may, da giày, thủy hải sản, hầm lò, khai thác khoáng sản, cao su… Thậm chí những ngành nặng nhọc độc hại còn cần phải giảm tuổi nghỉ hưu của lao động nữ xuống 50 mới phù hợp. Do đó, tôi tán thành quan điểm của ban soạn thảo về độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ.
Quy định rõ ràng về tiền lương để hạn chế tranh chấp
Về vấn đề tiền lương, mức lương tối thiểu, thang lương, định mức lao động, ông Đặng Ngọc Tùng cho rằng, nếu vấn đề này không được quy định rõ ràng trong luật thì rất dễ dẫn đến tranh chấp lao động, đình công. Thời gian qua, quy định mức lương tối thiểu đã thấp mà người sử dụng lao động còn chia nhỏ tiền lương dưới dạng phụ cấp, dẫn đến việc đóng bảo hiểm xã hội với mức lương thấp, gây rất nhiều bất lợi cho người lao động khi thụ hưởng chính sách thất nghiệp, thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chế độ hưu trí sau này. Về vấn đề thỏa ước lao động tập thể, đây là một khế ước rất quan trọng trong quan hệ lao động; là cơ sở giữ cho quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Vừa qua, tuyệt đại đa số các cuộc tranh chấp lao động hoặc đình công xảy ra ở các doanh nghiệp chưa có thoả ước lao động tập thể. Do đó, cần quy định, tất cả các doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên, khi đi vào hoạt động sau 3 năm phải có thỏa ước lao động tập thể. Điều này cũng phù hợp với xu thế của các nước tiên tiến trên thế giới. |
Bình luận (0)