Tại văn bản góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mới đây, 13 hiệp hội ngành, nghề trong cả nước đã đề xuất tính lại tỉ lệ hưởng lương hưu cho lao động về hưu sớm. Theo các hiệp hội, tuổi hưu của người lao động (NLĐ) đang được điều chỉnh tăng theo lộ trình cho đến khi nam đạt 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035. Luật BHXH hiện hành quy định NLĐ được nghỉ hưu sớm tối đa 5 năm, song phải suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%. Đồng thời, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, NLĐ bị trừ 2% mức hưởng. Các hiệp hội đánh giá quy định này không thực tiễn ở Việt Nam, bởi nhiều lao động đi làm và đóng BHXH sớm. Ở độ tuổi 50- 55, sức khỏe họ giảm sút, không đủ khả năng đáp ứng công việc, khó tìm việc làm sau đó và cũng có thời gian đóng BHXH từ 20-30 năm. Như vậy, cả về thời gian và số tiền đóng cho BHXH là đã đủ lớn. Nếu chờ đợi đến đủ tuổi nghỉ hưu, NLĐ sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo chi tiêu cuộc sống và việc để người lớn tuổi về hưu sớm cũng để trao cơ hội cho lao động trẻ có nhiều cơ hội việc làm hơn.
Bên cạnh đó, các hiệp hội cho rằng quy định NLĐ nghỉ hưu sớm bị trừ 2% mỗi năm kể cả khi họ có thời gian đóng để đủ điều kiện hưởng mức tối đa (nam đóng trên 35 năm, nữ đóng trên 30 năm) là bất hợp lý, đồng thời khoản trợ cấp hưu trí một lần là 0,5 tháng lương bình quân đóng BHXH cho mỗi năm đóng BHXH vượt trần thời gian hưởng lương hưu tối đa là quá thấp. Vì thế, các hiệp hội đề xuất trong trường hợp NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu sớm theo quy định và có thời gian đóng BHXH trên 20 năm, được quyền về hưu và mỗi năm về hưu sớm sẽ bị trừ đi một tháng lương hoặc cao nhất bị trừ không quá 1% như Luật BHXH năm 2006. Còn lao động đủ tuổi nghỉ hưu sớm (tối đa 5 năm so với tuổi nghỉ hưu) và đóng đủ 30 năm BHXH với nữ và 32 năm với nam thì được nghỉ hưu và hưởng mức tối đa 75%.
Góp ý đề xuất này, nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động tán thành. Một bạn đọc tên Hoa bày tỏ: "Các hiệp hội đề xuất rất hợp lý vì từ tuổi 50 trở đi sức khỏe suy giảm, chưa kể bệnh tật sinh ra nên nếu NLĐ đóng đủ số năm bảo hiểm quy định thì cho nghỉ hưu hưởng đủ 75% mà không bị trừ". Cùng góc nhìn, bạn đọc Võ Thị Kim Phượng góp ý: "Nên trừ phần trăm nếu thiếu năm đóng bảo hiểm, không nên trừ khi NLĐ đã đủ năm đóng bảo hiểm. Như vậy mới khuyến khích người dân đi làm và đóng bảo hiểm sớm được".
Bạn đọc Nguyễn Thị Hoàng Hiền nhận xét: "Đề xuất này là hợp lý, con người như cỗ máy, nó chỉ hoạt động đến 1 thời gian nhất định, đi làm sớm, đóng bảo hiểm sớm thì được nghỉ sớm. Nếu tính tuổi thì người đi làm sớm cũng như người đi làm muộn". Bạn đọc Phạm Uyên bày tỏ: "Tôi là NLĐ chân tay cũng muốn đóng đủ năm theo quy định còn được nghỉ, chứ cứ chờ đủ tuổi hưu thì còn sức đâu mà làm . Có muốn làm cũng chẳng ai cho vì họ muốn trẻ hóa lao động. Còn theo luật phải mất sức lao động từ 61%-81% mới được hưởng hưu sớm. Thử hỏi có ai muốn mình ốm đau vật vã để được hưởng lương hưu đâu". Bạn đọc Hạnh Hoa ấm ức: "Tôi thừa năm công tác nhưng khi nghỉ hưu sớm do suy giảm sức khỏe trên 61% nhưng vẫn bị trừ mỗi năm 2% trong khi đóng thừa 1.5 năm chỉ được nhận 1.5 tháng lương".
Bạn đọc Nguyễn Quang đề xuất: "Mong rằng nhà nước có sự mềm dẻo trong tính toán chế độ nghỉ hưu cho NLĐ khi tới 53-55 tuổi mà có 30-35 năm đóng BHXH, và chế độ trả trợ cấp khi thừa năm đóng BHXH, vì như hiện tại trả có 0,5 tháng cho 1 năm đóng dư là quá thiệt thòi cho NLĐ". Bạn đọc tên Cường đặt câu hỏi: "Suy giảm khả năng lao động từ 61% 81% dẫn đến phải xin nghỉ hưu sớm, vậy tại sao lại phải trừ 2% mức hưởng lương hưu cho mỗi năm nghỉ trước tuổi?". Bạn đọc Nguyễn Thị Hương bày tỏ hy vọng đề xuất trên sẽ được xem xét và thực hiện để người ốm đau đỡ thiệt thòi. Không có ai khỏe mà muốn nghỉ hưu cả. Bạn đọc Nguyễn Đức Đông viết: "Góp ý quá đúng, ngoài ra khi đã có giám định suy giảm sức khỏe thì phải được hưởng đủ 75% mới đúng. Ý kiến nữa là có thể hoán đổi thời gian đóng thừa bảo hiểm phải được sang cho số tuổi bị thiếu".
Bình luận (0)