Trong đó, đáng lưu ý là chính sách dành cho người lao động (NLĐ) bị mất việc hoặc giảm thu nhập do doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể hay phá sản vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Cụ thể, NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không lương theo hằng tháng, tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1-4 và không quá 3 tháng.
Riêng NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng theo hằng tháng, tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6-2020.
Các chuyên gia lao động, đặc biệt là người sử dụng lao động, đánh giá rất cao chính sách nhân văn này. Bởi lẽ, điều này khẳng định sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của Đảng, nhà nước đối với NLĐ trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, các nhóm đối tượng được nêu trong chính sách hỗ trợ đã bao phủ toàn diện người dân thuộc hệ thống an sinh xã hội. Thời gian hỗ trợ 3 tháng là hợp lý, nhất là đối với NLĐ bị mất việc dẫn đến thất nghiệp hoặc thiếu việc làm cục bộ, phải làm việc luân phiên.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ Công đoàn cho rằng việc triển khai gói hỗ trợ này như thế nào để không bị trục lợi và hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời... là bài toán khó trong quá trình thực thi chính sách. Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, giao nhiệm vụ cho chính quyền địa phương, phối hợp với người sử dụng lao động và các đoàn thể trên địa bàn xác định đúng đối tượng để bảo đảm người thực sự khó khăn được thụ hưởng chính sách nhân văn này. Trong quá trình triển khai, các địa phương phải chủ động giám sát, bảo đảm không bỏ sót và tránh được tình trạng trục lợi chính sách.
"Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đang nghiên cứu để có một gói hỗ trợ từ kinh phí, tài chính của Công đoàn nhằm chung tay cùng với Chính phủ hỗ trợ những NLĐ thực sự khó khăn" - ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.
Bình luận (0)