Sáng 6-11, tại TP HCM, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị phát triển cao su hiệu quả, bền vững đến năm 2030 với sự tham gia của các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương có diện tích trồng cao su lớn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, các hiệp hội cao su.
Đánh giá những kết quả đạt được cuả ngành cao su trong từ năm 2011-2018, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết trong 8 năm qua, diện tích cao su nước ta tăng từ 801.600ha năm 2011 lên 965 nghìn ha vào năm 2018, so với định hướng quy hoạch cao su cả nước đã vượt khoảng khoảng 165 nghìn ha, trong đó các thành phần tham gia trồng cây cao su gồm Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (chiếm tỉ lệ 30,4%), các doanh nghiệp địa phương (12,6%), doanh nghiệp tư nhân và FDI (3,8%) và cá nhân, hộ gia đình (chiếm 53,2%). Sản lượng cao su cả nước tăng từ 789.300 tấn năm 2011 đến năm 2018 đã tăng lên trên 1,1 triệu tấn; khối lượng xuất khẩu cao su đạt 1,56 triệu tấn vào năm 2018 với kim ngạch xuất khẩu là 2 tỉ USD. Đến nay Việt Nam đã cơ bản chủ động các giống cao su có năng suất, chất lượng cao cho các tiểu vùng quy hoạch cao su từ Nam ra Bắc.
Đại biểu tham dự hội nghị
Về chế biến, Việt Nam đã nâng cấp và xây dựng mới nhiều cơ sở chế biến quy mô lớn và nhỏ đến năm 2014 công suất chế biến đạt 1,2 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu chế biến sản phẩm cao su và chủ động 92% về công nghệ, không thua kém các nước.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng cho biết sự phát triển không ngừng của ngành cao su đã tạo việc làm cho khoảng 489 ngàn lao động thường xuyên, trong đó có gần 40 ngàn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số và thu nhập ổn định từ 6 - 8 triệu đồng/tháng/người. Mặt khác diện tích cao su lớn còn có ảnh hưởng đến môi trường, nâng cao tỷ lệ che phủ đất, góp phần cải tạo đất, giữ nguồn sinh thủy.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Trao đổi tại hội nghị, bên cạnh những thuận lợi, các đại biểu cũng chia sẻ nhiều khó khăn trong trong quá trình lao động sản xuất cụ thể là nguồn cung dồi dào trong khi giá dầu thô thấp tạo thêm áp lực cho giá cao su thiên nhiên, cạnh tranh trong nước với nguồn cao su nhập khẩu, hệ thống chất lượng cao su thiên nhiên chưa đồng bộ, các doanh nghiệp cao su chưa được hưởng một số chính sách về thuế làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, khí hậu khắc nghiệt ở một số vùng miền gây ảnh hưởng năng suất và sự phát triển của vườn cây…
Đưa ra các giải pháp để phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam đến năm 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất cao su cho biết bên cạnh các giải pháp về quy hoạch phát triển sản xuất cao su, mở rộng thị trường tiêu thụ, các chính sách ưu đãi về thuế và đầu tư trong đó đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật thì ngành cao su cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Cụ thể là phải đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, cán bộ khuyến nông tại các địa phương trồng cây cao su; đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho người lao động, các hộ gia đình trồng cao su đồng thời đào tạo, bố trí lao động hợp lý, tạo điều kiện ổn định cuộc sống lâu dài cho lao động là người dân tộc thiểu số…
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban kinh tế Trung ương Cao Đức Phát phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban kinh tế Trung ương Cao Đức Phát nhấn mạnh sản suất cao su đã đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển nông thôn và kinh tế xã hội, là điểm tựa của phát triển kinh tế- xã hội ở nhiều địa phương, tạo việc làm và nâng cao đời sống người dân vùng sâu, vùng xa. "Ngành cao su dù đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng phải xác định rằng cao su là cây trồng có lợi thế, có khả năng cạnh tranh của Việt Nam do đó cần phải phát huy thế mạnh và toàn diện của cây cao su, trong đó cần tăng cường phát triển công nghiệp chế biến cao su (gồm chế biến mủ cao su, gỗ và các ngành phụ trợ) để nâng cao giá trị gia tăng của ngành cao su.
Ngoài ra, để phát triển được ngành cao su theo định hướng thì cần tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách quản lý ngành cao su phù hợp với cơ chế thị trường, tạo môi trường cạnh tranh hiệu quả trong nước và quốc tế đồng thời hỗ trợ nâng cao hiệu quả cao su tiểu điền. Riêng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cần tái cơ cấu, đổi mới quản lý để phát huy cao hơn hiệu quả vườn cây và các nguồn lực đã tích lũy đồng thời rà soát lại chương trình hợp tác quốc tế để có hướng phát triển tốt nhất"
Bình luận (0)