Trong tiếng nhạc rộn ràng, Trần Ngọc Hiếu, bartender của khách sạn Caravelle, tung hứng những chai rượu một cách điêu luyện. Trong tiếng vỗ tay rộn ràng của thực khách, Hiếu tiến nhanh về bàn pha chế để cho nước đá và một ít rượu mùi vào chiếc bình lắc. Anh thực hiện thành thạo những động tác lắc tay để cho các chất hòa lẫn vào nhau. Cho thêm vài lát chanh trang trí, ly cocktail được hoàn tất.
Kiên trì, sáng tạo
Hơn 3 năm qua, ngoài công việc pha chế tại khách sạn Caravelle, Trần Ngọc Hiếu còn đảm nhận vai trò trợ giảng tại Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist. Anh cho biết nhiều người nghĩ đây là công việc giản đơn nhưng thật ra để thành công trong nghề không hề dễ. “Nhân viên pha chế - tức bartender - luôn chịu nhiều áp lực. Ngoài việc phải nắm vững công thức pha chế thì còn phải biết trang trí để cho ly cocktail thêm đẹp mắt.
Kỹ năng biểu diễn cũng không kém phần quan trọng bởi đây chính là ranh giới để phân biệt giữa một bartender chuyên nghiệp và một bartender không chuyên”. Cũng theo anh Hiếu, với một bartender chuyên nghiệp, ngoài những màn trình diễn đẹp, người pha chế không được đánh rơi dụng cụ. Đặc biệt, họ luôn thể hiện được sự sáng tạo trong từng công thức để tạo ra hương vị đặc trưng. Cuối cùng, việc không ngừng học hỏi là yếu tố quyết định cho sự thành công của một bartender. “Ngày nào, tôi cũng dành 1- 2 giờ để rèn luyện kỹ năng pha chế, biểu diễn. Nhờ thế mà tôi đã thuần thục trong công việc”.
Anh Trần Ngọc Hiếu (bìa phải) cùng bạn bè tại Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist
Còn Lê Thị Thanh Tâm, bartender của khách sạn Majestic, với 4 năm kinh nghiệm trong nghề, từng đoạt nhiều giải thưởng ở các cuộc thi bartender chuyên nghiệp, được xem là gương mặt trẻ thành công trong nghề. Tuy nhiên, để có được thành công hôm nay là cả một quá trình làm việc, học hỏi miệt mài, nghiêm túc. Thanh Tâm chia sẻ: “Ở khách sạn, tôi thường lắng nghe ý kiến đóng góp của thực khách để có những công thức mới, sáng tạo hơn. Ngoài ra, tôi còn tham dự những cuộc thi được tổ chức trong và ngoài nước để học hỏi kinh nghiệm. Với nghề bartender, nếu dừng lại ở những kiến thức học được mà không luyện tập mỗi ngày thì khó có thể phát triển nghề nghiệp”.
Luôn thiếu và hiếm
Theo ông Trần Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Du lịch và Khách sạn Saigontourist, ngày nay, cùng với sự phát triển của các nhà hàng, khách sạn, bartender đang là nghề thu hút lao động trẻ. Hiện nhu cầu về nghề đang “nóng” khi các doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng rất nhiều trên các trang web, các trung tâm giới thiệu việc làm với mức lương rất khá.
Nhiều sinh viên tốt nghiệp bartender còn được đơn vị đào tạo giới thiệu việc làm. Trong quá trình đào tạo, các bartender có thể thực tập tại các nhà hàng, quán bar, vũ trường… Đây cũng là thời gian để họ học hỏi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề cho đến khi vững vàng, đủ điều kiện làm việc cho các nhà hàng, quán bar, khách sạn cao cấp.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Tổng Giám đốc Công ty Pernod Ricard Việt Nam, cho rằng hiện nay, nhân lực của ngành luôn thiếu và hiếm. Đây cũng là nghề mở ra cánh cửa tương lai ổn định và thu nhập cao. Cũng theo bà Anh, nghề này “nóng” do nhu cầu thực sự của các nhà hàng, khách sạn, quán bar. Thứ hai là do có quá ít bartender thành thục và chuyên nghiệp ở Việt Nam. Hiện có khá nhiều bạn trẻ theo học các khóa đào tạo bartender nhưng số lượng người thành công không nhiều. Đó cũng là lý do khiến cho nghề này luôn được các khách sạn, nhà hàng tuyển dụng thường xuyên.
Ông Võ Tấn Sĩ, Chủ tịch Hiệp hội Bartenders Sài Gòn:
Không ngừng học hỏi
Đây là nghề phù hợp cho giới trẻ. Tuy nhiên, để thành công, các bạn cần có sự kiên trì, không ngừng học hỏi từ kỹ năng biểu diễn đến cách thức pha chế. Ngoài ra, để thành công hơn, các bạn trẻ cần trang bị thêm ngoại ngữ nhằm phục vụ tốt cho quá trình giao tiếp với khách hàng. |
Bình luận (0)