Cùng với đà tăng trưởng kinh tế, sự phát triển của những ngành nghề mới đang mở ra những cơ hội nghề nghiệp, việc làm rõ ràng hơn cho người lao động.
(Ảnh minh hoạ)
"Điểm danh" ngành hấp dẫn
Năm 2018, khối giáo dục đại học, cao đẳng sẽ có nhiều ngành học mới, ở trình độ đào tạo đại học. Theo Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ ĐH được ban hành, kèm theo Thông tư số 24 ngày 10/10/2017 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhóm ngành máy tính, công nghệ thông tin (CNTT) có ngành an toàn thông tin là ngành học mới, được đào tạo đầu tiên tại các cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn thông tin như: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Kỹ thuật mật mã, Học viện An ninh nhân dân...
Cũng liên quan đến CNTT là các ngành học trong lĩnh vực sức khỏe có thêm nhóm ngành mới như dinh dưỡng; kỹ thuật y học bao gồm các ngành kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, trong đó nhiều ngành trước đây thuộc nhóm ngành dịch vụ y tế...
Bên cạnh các ngành nêu trên, các chuyên gia hướng nghiệp cũng chỉ ra một số ngành mới và có triển vọng, nằm trong nhóm ngành công nghệ sinh học. Đây là một nhóm ngành có vị thế đặc biệt quan trọng trong nền công nghiệp 4.0, liên quan đến mọi vấn đề từ sinh học, y tế, nông nghiệp, thực phẩm... ngành marketing cũng được dự đoán sẽ tiếp tục thu hút nhiều lao động, nhất là những lao động trẻ. Du lịch - khách sạn, xây dựng cũng được điểm danh là những ngành nghề có tiềm năng phát triển mạnh trong nhiều năm sắp tới khi nhu cầu người dân ngày càng nâng cao.
Nhu cầu nhân lực trong ngành giao thông vận tải đang ngày càng nóng hơn bởi sự thiếu hụt nhân lực dịch vụ Logistics cung ứng vận tải tận nơi đến người tiêu dùng và ngành lntelligent Transport System (ITS) hay còn gọi là giao thông thông minh là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ, điều khiển, điện tử, tin học và viễn thông trong lĩnh vực giao thông để điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải.
Xây dựng giá trị hành nghề
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho biết, năm 2018 là năm phát triển hội nhập cùng cuộc CMCN 4.0, dẫn đến sự khan hiếm, thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao dù hiện tại con số cử nhân, kỹ sư thất nghiệp là trên 237 ngàn người. Tốc độ việc làm đang tăng trưởng rất mạnh với những nhóm ngành nghề đào tạo vô cùng phong phú. Nhất là các nhóm ngành nghề về công nghệ kỹ thuật, nhóm ngành CNTT kết hợp với tư duy, công nghệ cao trong các khu công nghiệp.
Có thể nhận thấy, với đà tăng tưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay, các nhóm ngành nghề mới đang phát triển mạnh và mở ra nhiều cơ hội rõ ràng hơn cho người lao động. Trong đó, CNTT đang có một vai trò "xương sống" cho hầu hết các ngành khác, đặc biệt là các nhóm ngành nghề mới. Nắm bắt được xu thế nhu cầu nhân lực của thị trường lao động hiện tại và tương lai, các trường đại học, cao đẳng đã và đang đẩy mạnh đưa các chương trình đào tạo mới, đào tạo nghề mới với nhiều cơ chế, chính sách đào tạo thông thoáng, đặc biệt trong đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao trực tiếp sản xuất, mở rộng tối đa cơ hội cho người lao động.
Với các em học sinh chuẩn bị rời ghế nhà trường phổ thông, ông Trần Anh Tuấn khuyên rằng, nên tùy vào năng lực bản thân để lựa chọn một môi trường học tập nghề nghiệp phù hợp, từ các trình độ trung cấp, cao đẳng đến đại học đều được, nhưng quan trọng là xây dựng cho mình một giá trị hành nghề, nhất là kỹ năng kỷ luật và ngoại ngữ. Học một nghề để tích hợp được nhiều nghề, làm việc được ở bất kỳ môi trường nào.
CNTT được nhận định là ngành hot nhất trong năm 2018 và cả trong những năm tiếp theo. Nhân sự CNTT được các doanh nghiệp săn đón nhiều nhất, đây không chỉ là ngành có công việc ổn định mà còn cho thu nhập cao hơn so với nhiều ngành nghề khác.
Bình luận (0)