Gần 3 năm làm giáo viên tin học của Trường Cao đẳng Kinh tế - Công nghệ TPHCM nhưng đến đầu học kỳ nào, anh V.L cũng hồi hộp không biết có được tái ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) hay không. “Dù làm việc tại trường khá lâu nhưng HĐLĐ của tôi vẫn là hợp đồng thời vụ nên nếu trường không có nhu cầu thì tôi sẽ mất việc bất cứ khi nào”- anh V.L. bày tỏ.
Nhiều mối lo
Anh V.L cho biết: “Lúc đầu, tôi nghĩ đây là nghề tay trái nhưng sau khi làm qua nhiều việc thì tôi muốn gắn bó với giảng đường và rất mong được ký HĐLĐ chính thức nhưng chuyện đó rất khó khăn. Sau mỗi kỳ học, trường đều mời tôi dạy nhưng vẫn chỉ là hợp đồng thời vụ, ngoài tiền lương, không có bất kỳ chế độ, chính sách nào khác kể cả BHXH, BHYT, BHTN. Cứ tới hè là tôi phải kiếm việc khác để làm hoặc chịu thất nghiệp”.
Chị T.T.T và các giáo viên của lớp mẫu giáo tư thục Song Ngọc (quận Bình Thạnh - TPHCM) cho biết dù được ký HĐLĐ nhưng các chị đều không được đóng BHXH. “Ở đây, môi trường làm việc thân thiện, thu nhập khá (3,5 triệu đến 4 triệu đồng/tháng). Tôi đang mang thai nhưng không đóng BHXH nên thời gian thai sản cũng hơi lo…” - chị T. chia sẻ. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tuyết, quản lý lớp mẫu giáo tư thục Song Ngọc, cho biết bà được tư vấn đơn vị dưới 10 lao động thì không đủ điều kiện đóng BHXH.
Đây cũng là tình trạng phổ biến ở các nhóm, lớp mầm non tư thục. Một cán bộ phụ trách khối mầm non, Phòng GD-ĐT quận 6 - TPHCM cho biết để cạnh tranh với trường công lập, các trường tư thục đều làm việc vào ngày thứ bảy, giữ ngoài giờ buổi tối, thậm chí không nghỉ hè. Đó là cách giữ thu nhập cho giáo viên vì không được trả lương và BHXH cho những tháng hè.
Áp lực nặng nề
Tương tự, để có thu nhập gần 6 triệu đồng/tháng, thầy V.V.T, giáo viên Trường THPT M.V (quận Tân Phú - TPHCM), cũng trầy trật làm thêm giờ. Ở trọ tại tỉnh Bình Dương, cách nơi làm việc đến hơn 20 km nên sáng nào thầy Danh cũng phải đi làm từ rất sớm và về nhà khi đã khuya. “Tôi dạy môn phụ, ít tiết nên thu nhập thấp, lương cứng chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Vì vậy, khi được phân công làm chủ nhiệm lớp và quản nhiệm nội trú buổi tối, tôi ráng làm để có thu nhập” - thầy Danh chia sẻ.
Khó giải quyết Ông Bùi Văn Nam, Phó Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Giáo dục TPHCM, cho biết: “Thu nhập của giáo viên ngoài công lập nhỉnh hơn công lập nhưng tính ổn định thấp hơn. Nhiều giáo viên ngoài công lập chỉ được ký hợp đồng dưới 12 tháng dựa theo biên chế năm học 9 tháng hoặc theo kỳ học. Mặt khác, mức độ biến động lao động ở khu vực này cao nên nhiều giáo viên bị gián đoạn về BHXH, BHTN. Vấn đề này đã tồn đọng nhiều năm và CĐ ngành cũng nhiều lần kiến nghị nhưng chưa thể giải quyết triệt để. CĐ không thể can thiệp mà chỉ vận động các trường ký HĐLĐ cả năm với các hoạt động dạy hè hoặc hỗ trợ vào dịp hè để việc thực hiện BHXH cho giáo viên được xuyên suốt”. |
Bình luận (0)