Liên tục hơn 1 tháng qua, khi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu, không chi có cán bộ Công đoàn (CĐ) mà hầu hết công nhân (CN) lao động, nhất là CN trực tiếp sản xuất đều đều phản đối đề xuất này.
Theo bạn đọc Ngọc Dung, phần lớn CN phải tăng ca vì lương không đủ trang trải. Việc tăng tuổi nghỉ hưu là điều không một CN nào muốn."Làm lao động cực khổ cả đời thì nam 60 nghỉ hưu là đã rã rời. Nếu thương người lao động (NLĐ) thì giử nguyên tuổi nghỉ hưu cho họ và tuỳ theo ngành nghề mà qui định tuổi nghỉ hưu" – bạn Ngọc Dung, bày tỏ.
Đồng quan điểm, bạn đọc Thái Duy Lâm, phàn nàn: "Các vị ở trên cao có làm công việc nặng nhọc hay nguy hiểm đâu mà biết. Nam 60 nữ 55 hưu là đúng rồi. Hưu để còn nghỉ ngơi chứ không phải hưu suốt ngày cứ ở Bệnh viện canh máy rút số thứ tự". Ở góc độ nghề nghiệp, bạn đọc tên Giang chỉ ra thực trạng nhiều giáo viên đến 55 tuổi là đã khó khăn trong việc giảng dạy, nhất là giáo viên mầm non. Nhân viên y tế đến 52 tuổi thì mắt đã mờ, tay đã run thì làm sao tiêm truyền được nữa.
Thực tế hơn, bạn đọc Hiền Lê đề nghị giữ nguyên quy định về tuổi nghỉ hưu hiện hành. "Một số ngành nghề làm công việc đặc thù như thi hành án dân sự, kiểm lâm nên nghỉ sớm hơn vì đến tuổi ấy không thể trèo đồi, vươt dốc để tìm đương sự được nữa"- bạn đọc này cho biết. Cùng suy nghĩ, bạn đọc Trịnh Hà cho rằng tuổi nghỉ hưu cứ giữ nguyên như cũ là hợp lý nhất. "Tôi 56 tuổi mà đã thấy rệu rã lắm rồi" – bạn đọc Trịnh Hà, bày tỏ. Tương tự, bạn đọc Lê Thanh Tùng phản ánh: "Tôi và nhiều anh bạn của tôi không biết có sống đến ngày nghỉ hưu không? Hãy chờ thế hệ sau, sức khỏe của dân mình nâng lên đã. Lúc đó hãy kéo dài tuổi nghỉ hưu".
Phần lớn công nhân phải tăng ca vì lương không đủ trang trải
Ở góc nhìn khác, bạn đọc Nguyên Anh đặt vấn đề: "Báo chí có xét về dinh dưỡng của những nước tăng tuổi hưu như trên để so sánh với dinh dưỡng. chi phí cho ăn uống đủ dinh dưỡng tại VN không Hãy đến các bệnh viện tại TP HCM xem, người đến khám và điều trị bệnh đông như trẫy hội, đa số là người từ 50 tuổi trở lên". Một bạn đọc tên Phúc thì nhận xét: "Đúng là tuổi thọ của người Việt Nam có tăng nhưng mà nói thật là sức khỏe thì không bằng các nước tiên tiến đâu, người Việt Nam nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi là sức khỏe bất đầu giảm sút nhiều rồi ... Nếu như muốn tăng tuổi nghỉ hưu thì phải làm nghiên cứu đánh giá sức khỏe cũng như khả năng năng suất lao động của những người ở lứa tuổi trên rồi hãy bàn".
Nhìn rộng hơn, bạn đọc Nguyễn Quỳnh Anh, chia sẻ: "Theo quan điểm của tôi thì không tăng tuổi hưu. Chúng ta nên xem lại tình hình thực tế vì đa số sinh viên ra trường vẫn chưa có việc làm hoặc nếu có thì họ chỉ làm những công việc bốc vác vì không xin được việc, như vậy thì rất lãng phí chất xám họ có thể cống hiển hoặc có những sáng kiến để đóng góp cho sự phát triển đất nước trong tương lai, những người lớn tuổi họ sẽ không muốn thay đổi hoặc ngại thay đổi thì làm sao đất nước phát triển được".
Cùng suy nghĩ, bạn đọc Ngọc Vân, thiết tha đề nghị: " Hàng năm có rất nhiều sinh viên ra trường, các cô các chú nên về để có chỗ cho các cháu làm việc, cống hiến chất xám, tuổi trẻ...". Bạn đọc Nguyễn thị Lan thì gay gắt hơn: "NLĐ thất nghiệp không có việc làm nhưng lại đòi tăng tuổi hưu. Theo tôi nghĩ là tăng tuổi hưu để thu tiền và chậm chi. Có vậy thôi".
Không chi có cán bộ Công đoàn mà hầu hết công nhân lao động, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất đều đều phản đối đề xuất tăng tuổi hưu
Góp ý xây dựng cho đề xuất này, bạn đọc Trịnh Tuấn Nguyện, bày tỏ quan điểm: "Không nên tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ hãy xem xét việc sử dụng Quỹ BHXH, cần thiết phải thanh tra, kiểm toán độc lập, tìm ra nguyên nhân thâm hụt quỹ BHXH". Đồng quan điểm, bạn đọc Đinh Văn Yên cho rằng không nên vội vàng tăng tuổi về hưu, thay vào đó phải có cơ chế quản lý tốt hơn nguồn tiền BHXH. Còn bạn đọc tên Ngọc thì viết: "Tạo sao không đa dạng hóa loại hình quỹ như để tư nhân tham gia, NLĐ tự do lựa chọn cách tham gia và quyết định số tiền đầu tư cho BHXH của riêng mình. Anh muốn tăng tuổi hưu thì đầu tiên hãy minh bạch hóa hoạt động quỹ BHXH hiện nay, đầu tư gì, ở đâu cho ai, lãi và lỗ hàng năm, chi phí cho bộ máy quản lý điều hành là bao nhiêu, chỉ những người có đóng quỹ hàng năm khi làm việc thì mới được hưởng khi về hưu. Khi đã minh bạch rồi, tối ưu hóa hoạt động rồi mà vẫn chưa được thì hãy bàn đến chuyện tăng tuổi hưu.
Một bạn đọc giấu tên kiến nghị: "Nếu đã quyết định tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo thì nên bổ sung thêm điều kiện như sau: 1/ NLĐ tham gia BHXH dưới 30 năm thì phải tiếp tục làm cho đến tuổi hưu nam 62, nữ 60. 2/ NLĐ đã tham gia BHXH đủ từ 30 năm trở lên thì được nghỉ hưu sớm như Luật LĐ hiện hành nam 60, nữ 55. Mục đích này cũng khuyến khích người LĐ bảo lưu thời gian đóng BHXH để sau này được về hưu sớm, không khuyến khích lãnh trợ cấp 1 lần.
Bình luận (0)