Lý Thị Thanh (quận Gò Vấp, TP HCM) hỏi: "Hợp đồng xác định thời hạn 1 năm của tôi hết hạn vào ngày 12-9-2019, sau đó tôi vẫn tiếp tục làm việc nhưng công ty chưa ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) mới. Đầu tháng 11-2019, tôi xin nghỉ việc vì không đạt được thỏa thuận về mức lương nhưng công ty ép tôi phải làm thêm 1 tháng rưỡi nữa mới được nghỉ. Hợp đồng của tôi và công ty đã hết hạn vậy nếu tôi nghỉ việc ngay khi nộp đơn thì có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của mình không?".
- Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, trả lời: Khoản 2 điều 22 Bộ Luật Lao động quy định khi HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn mà người lao động (NLĐ) vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới; nếu không ký kết HĐLĐ mới thì hợp đồng xác định thời hạn đã giao kết trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn. Như vậy, sau khi hợp đồng hết hạn vào ngày 12-9-2019, chị Thanh vẫn đi làm nhưng đến nay công ty không ký HĐLĐ mới thì HĐLĐ giữa chị và công ty đã tự động chuyển thành HĐLĐ không xác định thời hạn. Mặt khác, căn cứ quy định tại điều 37 Bộ Luật Lao động, khi NLĐ giao kết HĐLĐ không xác định thời hạn muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ phải báo trước cho người sử dụng 45 ngày. Nếu chị Thanh không tuân thủ đúng thời gian báo trước sẽ bị xem là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Khi đó chị sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc (nếu có) và phải bồi thường cho công ty các khoản theo quy định tại điều 43 Bộ Luật Lao động, gồm: nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ; một khoản tiền tương ứng với tiền lương của NLĐ trong những ngày không báo trước; phải hoàn trả chi phí đào tạo (nếu có). Ngoài ra, theo Luật Việc làm, chị cũng sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có). Chị Thanh nên thực hiện đúng quy định trên để tránh thiệt thòi về quyền lợi.
Bình luận (0)